Năm vừa qua có thể coi là rất thành công đối với ngành công nghiệp smartphone, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Xu hướng của năm nay, không phải là chất liệu mới cho điện thoại, cũng chẳng phải là lựa chọn màu sắc đặc dị mà chính là viền màn hình siêu mỏng. Người bắt đầu làn sóng này, khá bất ngờ lại không phải là những ông lớn sừng sỏ, có máu mặt mà lại là công ty đến từ Trung Quốc, Xiaomi với chiếc Mi MIX không viền màn hình gây sốt trong làng công nghệ hồi cuối năm ngoái.
Đến năm 2017 thì những gã khổng lồ như LG, Samsung hay smartphone do “cha đẻ” của Android sáng tạo ra là Essential Phone cũng đã theo kịp mốt. “Những thầy phù thủy xứ Cupertino” – Apple, với chiếc iPhone X là cái tên tiếp theo lọt vào danh sách các “chú dế” có tỷ lệ màn hình với diện tích mặt trước lớn nhất. Chẳng cần phải sở hữu một chiếc iPhone cũng biết, Táo khuyết dù không phải là kẻ đầu tiên hiện thực hóa các tính năng đột phá, nhưng lại là người định hình các trào lưu này và khiến chúng trở nên phổ cập và gần gũi hơn.
Vậy tối ưu hóa mặt trước xong rồi, các nhà thiết kế phải làm gì để smartphone đẹp hơn bây giờ?
Dù chiếc iPhone đời đầu đã “trình làng” khái niệm một màn hình cảm ứng có kích thước lớn (so với chuẩn mực của năm 2007 thôi nhé), nhưng phải cho tới khi Google bắt tay với Samsung để tạo ra chiếc Galaxy Nexus hồi năm 2011 thì giấc mơ về một chiếc điện thoại không viền mới được thắp sáng.
Đây chính là sản phẩm đầu tiên mà 3 phím điều hướng được chuyển vào bên trong màn hình, và trong tương lai, trên lý thuyết, sẽ có thể loại bỏ đi 4 viền xung quanh của máy vì chẳng cần không gian dành cho phím Home cồng kềnh, vướng víu nữa. Đó chính là khát vọng về một smartphone không thừa trên thiếu dưới, một smartphone được tối ưu hóa tới mức hoàn hảo.
Kể từ đó, các flagship với viền siêu mỏng, siêu mẫu cứ dần dần xuất hiện, thế nhưng chỉ dừng lại ở mức mẫu máy thử nghiệm. Sharp đã nhanh chân hơn mọi đối thủ khi ra mắt chiếc Aquos hồi năm 2014 (đáng tiếc là viền dưới của nó vẫn rất rất dày). Hai năm sau, công ty này tiếp tục khiến cả thế giới phải kinh ngạc khira phiên bản cải tiến có viền mỏng hơn nhiều.
Dù đã không có ít nhà sản xuất cho rằng “mốt” màn hình 18:9 sẽ sớm nở chóng tàn (ví dụ như HTC chẳng hạn), tuy nhiên một khi iPhone đã hòa mình vào xu hướng này thì gần như chắc chắn mọi flagship từ nay đến vài năm nữa sẽ đổ xô đi làm màn hình không viền. Cũng phải công nhận, khi đặt HTC U11, Moto Z2 hoặc thậm chí iPhone 8 bên cạnh LG V30 với Galaxy S8 thì ta sẽ cảm thấy thiết kế 16:9 đã quá lỗi thời, cho dù cảm giác cầm nắm, trải nghiệm người dùng vẫn còn rất tốt.
Những công ty đứng đầu trong thời gian tới sẽ thi nhau cắt gọt từng li, từng tí của các cạnh còn lại. Và rồi sẽ có ngày họ tìm được cách giấu cảm biến hình ảnh và camera dưới màn hình, từ đó tạo ra một chiếc smartphone mà mặt trước của nó sẽ không còn viền theo nghĩa đen luôn. Chắc chắn ai cũng háo hức về tương lai không xa này, nhưng sau đó sẽ là gì?
Sau nhiều năm cố gắng nhồi nhét màn hình có kích thước lớn nhất có thể nhưng vẫn duy trì độ nhỏ gọn, cuối cùng họ cũng đã đạt được thành quả của mình. Có lẽ sau đó sẽ là sự đổi mới về mặt chất liệu, rồi tính năng,…
Dẫu vậy tấm nền là thứ cốt yếu làm nên smartphone, bởi ta dành nhiều thời gian "ngắm nhìn" nó nhiều nhất khi sử dụng điện thoại. Đây là thứ có tiềm năng vô hạn mà các nhà sản xuất không lỡ bỏ ngỏ. Chính vì vậy, màn hình của smartphone sẽ phải tiến hóa, phải cải cách. Và quả không sai, nó đúng là đang trong quá trình chuyển mình.
Một trong số phát kiến mới là sử dụng mặt lưng của chiếc điện thoại để làm màn hình thứ 2. Dòng sản phẩm của Yotaphone được trang bị màn e-ink tiết kiệm điện, rất tốt cho việc đọc sách mà lại chẳng hề ngốn pin. Meizu thì chơi trội hơn, mang cả tấm nền OLED ra mặt sau để hiển thị thông báo, chụp ảnh selfie bằng camera sau hay thậm chí … chơi điện tử luôn.
Màn hình dẻo cũng là “gương mặt thân quen” trong những chương trình giới thiệu công nghệ của các hãng lớn, thế nhưng họ cũng chưa tìm ra ứng dụng thiết thực của nó trên smartphone.Lenovo đã “nhá hàng” một số thiết bị áp dụng công nghệ này, trong đó có màn hình uốn dẻo thành vòng đeo tay và điện thoại “biến hình” thành tablet.
Ý tưởng thứ 2 có nhiều khả năng trở thành hiện thực và được ưa chuộng hơn cả nếu như các khó khăn về mặt kỹ thuật được loại bỏ. Nó sẽ tiếp tối trào lưu “màn hình siêu lớn, máy siêu nhỏ”. Hãy tưởng tượng bạn có thể lướt Facebook ở chế độ điện thoại, rồi sau đó mở nó ra để làm những công việc tưởng chừng chỉ laptop mới làm được, hay đơn giản hơn là xem video cho đã mắt thôi. Microsoft là ứng cử viên nặng ký cho hạng mục này khi họ đã nộp hàng loạt các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ này. Samsung là cái tên thứ 2 khi mới đây rộ lên tin đồn dòng Galaxy Note trong tương lai sẽ có màn hình dẻo.
Hoặc có lẽ họ sẽ nhận ra rằng, mình đã đạt đến giới hạn của các thiết bị cầm tay, và đã đến lúc để đầu tư mạnh tay vào những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng. Kính AR hay VR chẳng hạn. Chúng vẫn còn rất công kềnh và điều đó cũng chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc nó chưa đạt được độ phổ cập như mong muốn. Nhưng theo viễn cảnh mà Mark Zuckerberg mường tượng ra, việc chúng sẽ thu gọn lại bằng với một cặp kính cận sẽ chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Đó là theo quan điểm cá nhân của người viết thôi, vậy còn bạn thì sao? Bạn nghĩ tương lai của smartphone sẽ đi về đâu?
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]