Một trong những tâm điểm của buổi ra mắt sản phẩm sáng nay của Apple chính là cái giá “trời ơi” của iPad 2, khi sản phẩm gần 3 năm tuổi được bán với giá 399 USD. Mức giá này chỉ thua chiếc iPad Air 100 USD, trong khi cách biệt công nghệ và cấu hình của hai chiếc máy tính bảng này là rất lớn.
Người tiêu dùng khó hiểu hơn khi mà với cái giá này, họ có thể mua rất nhiều dòng máy Android mới với cấu hình cao gấp 2 - 3 lần iPad 2.
Như vậy, sau màn ra mắt ngày hôm nay, dòng sản phẩm iPad màn hình to của Apple chỉ còn lại 2 chiếc, iPad Air với giá 499 USD và iPad 2 đồ cổ với giá 399 USD. Không có một nỗ lực để hỗ trợ cho phân khúc máy tính bảng trung cấp nào của Apple.
Những khó hiểu này tiếp nối việc giá iPhone 5c bị than phiền là được đặt ở mức quá cao, dẫn tới Apple bị “ế” sản phẩm này. Hiện nay tại Mỹ, các cửa hàng bán lẻ đang bán giảm giá iPhone 5c 11%, nhưng vẫn chưa có tín hiệu khả quan cho việc tiêu thụ sản phẩm này.
Như thể, Apple vẫn giữ suy nghĩ ở trên đỉnh thị trường, trong khi thị phần của hãng ngày càng thụt lùi so với Android. Ở một khía cạnh khác, “kẻ báo thù” Nokia đang là tâm điểm của dòng Windows khi kéo thị phần Windows Phone lên ngang ngửa thị phần iOS tại một số quốc gia châu Âu.
Về smartphone, thị phần của Apple trên toàn cầu đã co về khoảng 14%, so với hơn 80% của Android, theo Gartner. Ở thị trường máy tính bảng, Apple đang khá hơn khi sở hữu tới hơn 34% thị phần máy tính bảng bán ra, dù đối thủ Samsung mới chỉ bằng gần một nửa thị phần so với Apple (18%), theo IDC.
Cứ với đà này, nhiều người lo lắng CEO Tim Cook sẽ kéo Apple trở lại những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, ở thời đại PC, Apple đã “nhường” trên 90% thị phần cho Microsoft, dẫu cho dòng máy Powerbook hay Macintosh đã đem tới thành công, tiền bạc và sự nổi danh cho Apple.
Việc theo đuổi phong cách hạng sang và bán những chiếc Mac với giá trên trời đã khiến thị phần của Apple ngày càng thu hẹp lại, giành đất cho liên minh Microsoft – IBM – Intel bành trướng.
Thời đại ác mộng của Apple chỉ kết thúc sau khi CEO huyền thoại Steve Jobs trở lại nắm quyền điều hành công ty từ năm 1997. Với việc ra đời iMac và điều chỉnh giá bán máy tính xuống dễ chịu hơn, kết hợp với thay đổi về phương thức sản xuất, Steve Jobs đã cứu Apple từ vũng bùn suýt phá sản lên đỉnh cao của thời đại smartphone.
Người ta đang nhìn thấy ở Apple hiện nay một xu hướng lao đầu vào thất bại của quá khứ như thời CEO John Sculley. Thị trường smartphone và máy tính bảng đang ngày càng rẻ hơn nhưng mức giá của Apple vẫn ở hạng sang. Điều đó khiến cho sản phẩm của Apple khó lòng đến được với nhiều người hơn.
Thị phần của Apple đang có dấu hiệu ngày càng teo tóp lại
Và khi mà Android và Windows Phone ( hoặc Windows RT) đang tốt lên từng ngày, với kho ứng dụng ngày càng mở rộng, những lợi thế về hệ sinh thái của Apple cũng dần biến mất. Khiến cho giá trở thành yếu tố quan ngại của người dùng khi mua sản phẩm Apple.
Apple sẽ vẫn tiếp tục công bố những con số đẹp về doanh số iPhone hay iPad, nhưng thị phần của Apple sẽ ngày càng “bé” lại bởi những món hàng giá “to” của hãng.
Theo Thu Hằng - Nguoiduatin.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]