Bệnh nhân Hanneke de Bruijne được cấy ghép thiết bị giúp giao tiếp bằng suy nghĩ. Ảnh: University Medical Center Utrecht.
Hanneke de Bruijne, một phụ nữ bị liệt ở Hà Lan, là người đầu tiên được lắp thiết bị cấy ghép não mới giúp bệnh nhân có thể giao tiếp bằng suy nghĩ. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine hôm 12.11, theo Science Alert.
Bruijne được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) vào năm 2008. Sau hai năm, từ một người khỏe mạnh, bà giờ đây phải sử dụng máy trợ thở và không thể đi lại hay nói chuyện. Bruijne giao tiếp thông qua hệ thống theo dõi chuyển động mắt, giúp bà lựa chọn từ và chữ trên màn hình để tạo thành câu.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Theo New Scientist, cứ ba người mắc chứng ALS sẽ có một người cuối cùng không thể cử động ngay cả mắt của mình. Vì thế, Nick Ramsay, nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Utrecht, Hà Lan, muốn chế tạo một hệ thống không dựa trên chuyển động vật lý, tức là thiết bị đọc trí óc con người.
Ông và nhóm nghiên cứu đã chế tạo một thiết bị mà bệnh nhân có thể điều khiển tại nhà, không cần sự giám sát liên tục của chuyên gia y tế. Thiết bị được phẫu thuật cấy ghép vào não với hai điện cực đặt trên vùng vỏ não vận động, nơi kiểm soát chuyển động của con người.
Các điện cực này kết nối với máy phát có kích thước tương tự máy trợ tim và được cấy ghép trên ngực Bruijne. Máy phát có thể liên kết không dây với phần mềm máy tính hiển thị trên màn hình trước mặt.
Bruijne sẽ thấy một ô vuông di chuyển giữa các chữ cái trên màn hình. Khi ô vuông dừng lại ở chữ cái mà bà mong muốn, Bruijne phải tưởng tượng mình đang di chuyển tay phải để bấm chữ. Dù bà không thực sự chuyển động tay phải nhưng bộ não của bà vẫn tạo ra các tín hiệu tương tự. Tín hiệu này sẽ được truyền tới máy phát và phần mềm trên máy tính.
Hình vẽ mô phỏng hoạt động của hệ thống. Ảnh: University Medical Center Utrecht.
Sau nửa năm luyện tập, Bruijne có thể sử dụng hệ thống với mức độ chính xác là 95%.
"Bruijne đang tiến bộ nhanh hơn nhờ luyện tập. Ban đầu, bà ấy mất 50 giây để lựa chọn một chữ cái nhưng bây giờ, bà ấy có thể làm điều đó trong 20 giây", theo New Scientist.
Bruijne cho biết thiết bị mới giúp bà thấy tự tin hơn khi giao tiếp với những người xung quanh và ở nơi công cộng, đặc biệt ở những nơi ánh sáng tự nhiên khiến thiết bị theo dõi chuyển động mắt gặp trục trặc.
"Bây giờ, tôi có thể giao tiếp ở ngoài trời khi thiết bị theo dõi mắt không hoạt động. Tôi cảm thấy tự tin và độc lập hơn khi ra ngoài", Bruijne chia sẻ.
Mục tiêu tiếp theo của Ramsay là giúp Bruijne sử dụng thiết bị nhanh hơn bằng cách gắn thêm nhiều điện cực. Ông cho rằng một hệ thống với 30 hoặc 60 điện cực có thể giải mã ngôn ngữ ký hiệu hoặc lời nói bên trong nhanh hơn hệ thống hiện nay.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]