Một phần mềm "Made in Việt Nam" đình đám toàn cầu hiện chỉ có trong giấc mơ của người yêu công nghệ Việt. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Đó là ước mơ không hề viển vông, bởi trên thực tế thì đó là con đường hợp lý và có thể nói là “duy nhất” để đưa ngành công nghệ trong nước phát triển. FPT không hổ danh đứng vai con tàu lớn nhất luôn đi đầu đã lao ra biển lớn để thực hiện ước mơ đó. Và một kỳ vọng “đẻ” ra những phần mềm đình đám, có thể tô đậm tên tuổi Việt Nam nói chung và FPT nói riêng trên bản đồ công nghệ toàn cầu, được đẩy lên mức cao nhất.
Dễ đến 5 năm liên tiếp trở lại đây, khi đưa ra xu hướng dự báo cho năm sau, các chuyên gia công nghệ thông tin cũng như các nhà báo chuyên theo dõi mảng này đều chung nhận định là: năm sau phần mềm Việt Nam không có sự đột phá.
Và, thực tế thì cho tận đến đầu năm 2014, sự “đột phá” vẫn chỉ là mong ước ngậm ngùi của những người thiết tha với ngành công nghệ Việt.
Bài 1: Vỡ mộng sản xuất hàng "Made in Việt Nam"
FPT Software đến nay đã 15 tuổi, một quãng đường không hề ngắn với một doanh nghiệp khai phá một lĩnh vực mới. Không thể phủ nhận rằng, FPT Software đã từng bước chinh phục và chiếm lĩnh thị trường trong nước, cũng như bước chân ra thế giới với những kết quả không tồi.
Thế nhưng, 15 năm, vẫn chưa có một sản phẩm phần mềm in chữ “Made by FPT” hoặc “Made in Việt Nam” đình đám. Cũng có nghĩa là, chữ “sản xuất” ở lĩnh vực này còn rất mờ nhạt, phần mềm Việt Nam vẫn bằng lòng ở con số doanh thu khá ổn nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn này cùng tốc độ tăng trưởng 30%/năm về dịch vụ.
Với sự “bằng phẳng” của thế giới Internet, bùng nổ các thiết bị di động, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam viết phần mềm, các ứng dụng cho di động. Thế nhưng, cái tên FPT vẫn “lẩn khuất” đâu đó và bản thân các phần mềm có sức ảnh hưởng “toàn cầu” vẫn đang là ước mơ.
Có chăng, các phần mềm được nhắc tới lại chính là các sản phẩm diệt virus của Bkav, CMC hay ứng dụng Zalo của VNG mà “ông lớn phần mềm FPT” lại chưa ghi danh dù một sản phẩm nhỏ, trong doanh số hơn 100 triệu USD của năm 2013.
Chia sẻ chiến lược toàn cầu của mình, một lãnh đạo của FPT thẳng thắn cho rằng sẽ “đầu tư sâu” vào một số lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới. Đó chính là mạng xã hội, di động, bigdata và cloud.
Lý giải điều này, ông nói thời của Y2K (sự cố máy tính năm 2000) đã tạo ra cơ hội cho các công ty Ấn Độ. Nhưng hiện tại, bốn lĩnh vực kể trên cho phép FPT Software có cơ hội như thời Y2K.
Hiện nay, trong số 7 tỷ người trên toàn cầu thì có 3,5 tỷ dùng điện thoại và 50% trong số đó dùng smartphone. Điều này đồng nghĩa tất cả ứng dụng trên thế giới đều phải có ứng dụng di động. Khi đã dùng ứng dụng mobile, người ta không thể lưu dữ liệu ở máy tính được mà phải lưu trên cloud thì mới tiếp cận ở khắp nơi.
Và, khi lượng dữ liệu lớn như vậy thì Bigdata là lựa chọn. Tiếp đến, việc di động dẫn đến mọi người được kết nối nhau ở môi trường mạng xã hội, tiêu biểu như Facebook.
Cơ hội kinh doanh là ở đó. Cơ hội này rất hay ở chỗ, nếu nói đến các ứng dụng truyền thống như trong ngành viễn thông, ngân hàng, tài chính… chúng ta không có cửa cạnh tranh với Ấn Độ vì khoảng cách là 20 năm. Nhưng cũng trong ngành đấy mà phải cạnh tranh bằng cloud, mobility, bigdata… thì khoảng cách giữa doanh nghiệp Ấn Độ và FPT Software chỉ là 1-2 năm mà thôi.
Ngoài ra, chiến lược của FPT Software còn tập trung đầu tư sâu vào hệ thống tự động trên các thiết bị (ví dụ ôtô, máy bay…), các lĩnh vực hẹp…
Và tuyệt nhiên, Con chim đầu đàn của ngành phần mềm Việt - FPT Software không hề nhắc đến việc sản xuất ra phần mềm trong chiến lược của mình.
Khi được hỏi về điều này, vị lãnh đạo trên thẳng thắn nói, việc sản xuất ra phần mềm chưa phải là định hướng của doanh nghiệp.
Theo ông, trong nghề phần mềm có khái niệm niệm software service (dịch vụ phần mềm) và software product (sản phẩm phần mềm) và có rất ít quốc gia làm được cả hai.
“Tất cả các phần mềm đều xuất hiện từ Mỹ hoặc các kỹ sư đến từ Israel hay cả nước Đức chỉ có mỗi tập đoàn SAP. Nhưng, thị trường dịch vụ phần mềm thì lại mở. Tôi cho rằng đây là sự phân công lao động của thế giới và chúng ta phải nhận thấy mình đang phù hợp với việc làm dịch vụ phần mềm,” ông chia sẻ.
Tuy nhiên, “ông cũng khẳng định Việt Nam luôn có những cá nhân xuất sắc và: “Rồi người Việt sẽ làm ra phần mềm cho cả thế giới dùng. Nhưng đây hiện chưa phải là định hướng của FPT.”
Trên thực tế thì việc làm ra một phần mềm “made in Việt Nam” sẽ là rất khó, điều này lại còn khó hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không giữ được nhân tài. Lãnh đạo của FPT Software từng thừa nhận, nhiều cử nhân của Đại học FPT không về đơn vị này làm việc và nhận lời mời của những doanh nghiệp Nhật Bản.
Và khi cả quyết tâm và nhân sự không có, thì hãy cứ lựa chọn con đường ở lĩnh vực dịch vụ phần mềm vì nó đang mang lại doanh thu lớn. Còn sản phẩm “made in Việt Nam” thì cứ để cho giấc mơ còn treo ở đó… Biết đâu, có một ngày…?!
Theo P.V - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]