Choáng vì D-com 3G “ăn” tiền quá nhanh
Bạn Nam Anh (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Mình dùng D-com theo dung lượng, lướt web 1 ngày rưỡi mà hết 150k. Thật khủng khiếp”.
Đồng cảnh ngộ, bạn Phương – CTV làm việc online cho một tờ báo mạng – cho biết: “Công việc yêu cầu tôi phải trực ngày chủ nhật online. Tôi thường mang D-com 3G về quê vừa là thăm gia đình, vừa làm việc luôn. Bình thường làm cả ngày chỉ mất khoảng 30 nghìn bao gồm download, upload ảnh, bài viết… Nhưng chủ nhật vừa rồi, tôi mất nguyên 100k tiền trực khi D-com 3G ngốn mất đúng 100k”.
Hiện tại, Phương đang trong cảnh “loay hoay” tìm giải pháp cho buổi trực của mình. “Ra quán Internet bây giờ cũng mấy nghìn/h, ngồi cả ngày số tiền phải bỏ ra cũng không ít. Có khi lần sau trực, tôi phải ra quán café có wifi.Mà một cốc café giờ phải 30k. 2 cốc cho 2 buổi sáng chiều cũng hết 60k rồi. D-com 3G “hại” tôi tiến thoái lưỡng nan thế này đây”, Phương "nhăn nhó" khổ sở.
Khốn khổ nhất phải kể đến các bạn sinh viên, khi một lúc phải gánh quá nhiều mức phí đồng loạt tăng cao. Hạnh (ĐH Bách Khoa) tâm sự: “Em đã không dám lắp mạng ADSL vì sợ giá cả đắt đỏ, dùng D-com 3G vừa tiện vừa có “cớ” tiết kiệm, chỉ khi nào thực sự cần gì đó mới check qua mạng một chút. Ấy thế mà giờ giá cước D-com cứ tăng vèo vèo, nạp mấy chục được vài phút đã hết rồi, em xót ruột lắm. Em với cô bạn cùng phòng đang tính nước ky cóp tiết kiệm chung tiền lắp mạng ADSL. Không hiểu sao mà D-com lại "ngốn" tiền khủng khiếp đến vậy?".
Trước đây 2 vợ chồng anh Thịnh - chị Lan cũng sắm cho mỗi người 1 cái D-com 3G để tiện làm việc khi gia đình chưa có điều kiện cũng như thời gian lắp mạng ADSL. Tuy nhiên mức giá quá chát của chiếc D-com đang khiến anh chị phát hoảng: "Thật khủng khiếp. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần làm việc với mấy cái video clip và mấy tấm ảnh mà 2 vợ chồng tốn mất gần 400 nghìn đồng. Một con số quá sức tưởng tượng".
Người tiêu dùng giờ đây đã mất hẳn hứng thú với dịch vụ 3G
Bất mãn cũng không thể thay đổi được tình hình?
Nhiều người tiêu dùng không theo dõi tin tức, không nắm rõ mức cước nhà mạng tăng lên là bao nhiêu. Chính vì lẽ đó mà khi D-com 3G “ăn” tiền nhanh như chớp đã khiến họ vô cùng choáng váng.
Trên thực tế, từ ngày 12/10, các nhà mạng đã tăng giá các gói cước 3G, trong đó đáng chú ý có gói cước Viettel Dcom Laptop (Laptop Easy) có mức tăng lên tới hơn 230%, từ mức 60đ/MB, cước mới tăng vọt lên 200đ/MB đồng thời thay đổi block tính cước từ 10KB + 10KB lên 50KB+50KB.
Việc tăng cước 3G lần này không chỉ có một mình Viettel mà cả ba nhà mạng, trong đó MobiFone cũng có gói cước Fast Connect FC0 tương đương với gói Laptop Easy của Viettel, còn VinaPhone là gói EzCOM EZ0 cũng đều tăng cước từ 60đ/MB lên 200đ/MB.
Chính sự tăng cước đột ngột này đã gây ra một sự thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng của người sử dụng. Thay vì “bình tĩnh” dùng D-com 3G như trước đây, nhiều người tiêu dùng đã “giãy nảy” khi chứng kiến D-com 3G tăng vọt.
Mới đây, trước bnwcs xúc của dự luận, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương điều tra dấu hiệu độc quyền của 3 nhà mạng khi trong cùng 1 ngày, 3 ông lớn nắm 97% thị trường cùng đồng loạt tăng giá cước 3G nói chung và cước D-com 3G nói riêng.
Trước khi Bộ Công thương có kết luận chính thức, thì đại diện Bộ TT và TT – đơn vị cho phép nhà mạng tăng cước 3G, vẫn khẳng định việc tăng giá là có cơ sở và đúng lộ trình.
Cụ thể, trong cuộc họp báo gần nhất về vấn đề này, đại biện Bộ TT&TT cho biết: “Về căn cứ để điều chỉnh giá cước 3G, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: giá cước 3G trung bình hiện ở mức 100 đồng/MB, tính ra chỉ bằng 54% giá thành. Sau khi điều chỉnh, giá cước trung bình là 111 đồng/MB, chỉ bằng 34,9% mức giá trung bình của khu vực ASEAN”.
Cục Viễn thông cũng lần đầu tiên chính thức có công văn phản hồi phản ánh của báo chí về việc tăng giá cước dịch vụ dữ liệu 3G vào ngày 7/11.
Theo đó, Cục cho biết việc tăng giá cước dịch vụ 3G căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông. Công văn này cũng nêu rõ, khi xem xét thẩm định giá cước dịch vụ dữ liệu 3G, Bộ TT&TT đã căn cứ vào giá thành dịch vụ thực tế mà các doanh nghiệp báo cáo theo quy định của Bộ TT&TT (Thông tư số 16/2012/TT-BTTTT); quan hệ giữa năng lực hạ tầng mạng lưới để cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp (cung) và mức độ sử dụng dịch vụ của khách hàng (cầu); mặt bằng giá cước của khu vực và thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Như vậy, mọi truy vấn với mong muốn có một câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong việc tăng giá đã đều dẫn đến thất vọng. Người tiêu dùng dường như khó trông chờ một sự giảm giá với một quyết định khác từ Bộ TT&TT.
Tất cả hiện chỉ còn trông chờ vào phán quyết cuối cùng của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương.
Tuy nhiên, trước khi đợi đến ngày đó, các khách hàng sử dùng dịch vụ 3G, đặc biệt là đối tượng học sinh – sinh viên và người có thu nhập thấp sẽ vẫn phải chịu gánh mức phí “cắt cổ” hoặc chịu trận nhìn tiền trôi như nước trong trường hợp bất khả kháng không thể không dùng 3G.
Theo - Tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]