Cùng thời điểm với thông tin Tập đoàn viễn thông Quân đội (Việt Nam) có ý định mua Kakao Talk (ứng dụng OTT thuộc một công ty Hàn Quốc) lan truyền trên thị trường, thế giới cũng xảy ra một số vụ thâu tóm đình đám ở lĩnh vực này. Người khổng lồ trực tuyến Nhật Bản - Rakuten công bố mua lại Viber với giá 900 triệu USD, dù công ty này lỗ gần 30 triệu USD năm 2013. Thế nhưng, Viber vẫn đắt giá là nhờ gần 300 triệu người dùng trên toàn cầu. Ngoài Viber, một cuộc sáp nhập cực khủng khác về OTT mới diễn ra: Facebook mua Whatsapp với giá 19 tỷ USD (ứng dụng có 450 triệu người dùng).
Khi thông tin Viettel dự kiến mua Kakao Talk được loan đi, nhiều người trong giới viễn thông và CNTT khá hoài nghi bởi chưa có tiền lệ ở cả thế giới cũng như Việt Nam về việc nhà mạng đi mua OTT. Bên cạnh đó, việc mua và phát triển dịch vụ làm hại luôn doanh thu từ các nguồn thu truyền thống lớn nhất hiện nay với di động (thoại và SMS) là một điều rất khó tin. Tuy nhiên, đại diện của Viettel có cách giải thích riêng: “Chúng tôi dự kiến mua một công ty OTT để có thể học hỏi tính sáng tạo của họ. Thêm vào đó, Viettel không nên bỏ lỡ các làn sóng mới”.
Viettel sẽ phải vượt qua rất nhiều thử thách mới có thể mua OTT Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những người hiểu biết về việc mua bán, sáp nhập các ứng dụng OTT thì cho rằng, đây là một khả năng rất khó xảy ra.
Thứ nhất, với mức định giá từ 2-3 tỷ USD, Kakao Talk sẽ đòi hỏi một khoản tiền khổng lồ từ phía người muốn thâu tóm. Quy chiếu theo chuẩn mới, với giá Whatsapp vừa được bán cho Facebook (19 tỷ USD) thì Viettel có thể còn phải trả số tiền lớn hơn và chuyện phê duyệt hàng tỷ USD để mua một công ty nước ngoài hoàn toàn không đơn giản chưa nói đến nguồn tài chính.
Thứ hai, Kakao Talk hiện chiếm tới 93% thị phần trên smartphone của Hàn Quốc và có gần 200 triệu người dùng trên toàn cầu. Ngay cả trong trường hợp sẵn sàng và đủ tiền, Viettel (một công ty của Quân đội Việt Nam) cũng rất khó mua một ứng dụng kiểm soát phần lớn việc liên lạc hàng ngày của người Hàn.
Thứ ba, Kakao Talk dự kiến sẽ IPO vào cuối năm nay nên việc mua OTT này từ một công ty nước ngoài sẽ khó xảy ra.
Thứ tư, ngay cả khi Viettel vượt qua được các trở ngại trên thì điểm cuối là Kakao Talk cũng như các OTT đình đám khác sẽ chọn người hiểu mình chứ không phải là một nhà mạng. Trước đó, Whatsapp từ chối lời đề nghị của Google không phải vì vấn đề tài chính mà là Facebook hiểu rõ giá trị của OTT này hơn.
Trong khi các thông tin về việc Viettel dự kiến mua Kakao Talk tiếp tục được loan truyền, đại diện Viettel từ chối bình luận cụ thể về chủ đề này mà chỉ cho biết, họ có dự định mua một công ty OTT. Đại diện tập đoàn này cũng từ chối bình luận về khả năng mua quyền kinh doanh tại Việt Nam (kiểu hợp tác của Kakao Talk với VTC) hay mua toàn bộ công ty ở Hàn Quốc, nhưng nói: “Chúng tôi muốn nắm quyền kiểm soát, ít nhất là 51% với công ty OTT muốn mua”.
Một chuyên gia về lĩnh vực ứng dụng di động – người có tìm hiểu sâu về mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực Internet cho biết: OTT là một sản phẩm có tính toàn cầu hóa cao nên Viettel sẽ không thực hiện việc hợp tác với Kakao Talk (như đã làm với VTC nhưng thất bại tại Việt Nam). Ông này bình luận: “Nếu muốn mua Kakao Talk thực sự, người đi mua thường giấu kỹ ý định của mình và chỉ công bố khi mọi việc đã cơ bản hoàn tất. Trong trường hợp của Viettel, có thể tin đồn mua Kakao Talk không chính xác; hoặc đó là ẩn ý cho một mục tiêu khác. Công ty quân đội này vốn nổi tiếng với những việc làm khác biệt nên mọi người có thể phải chờ một thời gian thì mới biết họ thực sự sẽ làm gì”.
Theo Nguyễn Huy - Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]