Vào năm 2012, thời khắc kỳ lạ 23:59:60 đã xuất hiện ngày 30/6 và nó đã khiến nhiều website gặp sự cố
Thông tin này đã được Tổ chức quốc tế về Sự xoay của trái đất và Các hệ thống tham chiếu (International Earth Rotation and Reference systems Service) công bố tại Paris vừa qua.
Được biết, việc có thêm 1 giây này là để mọi đồng hồ trên trái đất hoạt động đúng với những biến đổi của thời gian thiên văn – trong trường hợp này, chính là việc Trái Đất quay chậm lại. Chỉ 1 giây thôi nhưng nó đã gây ra cơn đau đầu không nhỏ cho các kỹ sư máy tính.
Theo The Verge, có thể hình dung "sự cố 1 giây" này như thảm họa Y2K mà chúng ta từng xôn xao hồi năm 2000. Thảm họa Y2K đe dọa phá vỡ sự đồng bộ thời gian do máy tính đo với thời gian của đồng hồ nguyên tử.
Trong khi sự cố Y2K chỉ là vấn đề xảy ra một lần duy nhất (nhầm lẫn năm 2000 thành 1900), thì "sự cố 1 giây" này lại là vấn đề xảy ra mang tính tuần hoàn. Sự cố 1 giây đầu tiên xảy ra vào năm 1972, và sự cố năm 2015 là lần thứ 26, có vẻ sự cố này sẽ không dừng lại ở đây.
Trở lại sự cố mới nhất hồi năm 2012, khi đó nhiều website đã gặp trục trặc. Theo trang Phys.org, những trang Foursquare, Reddit, LinkedIn, và StumbledUpon đều bị sập khi một giây thừa kia xuất hiện.
Trong trường hợp của Reddit, vấn đề thực sự xuất phát từ hệ thống Linux bị bối rối khi nó kiểm tra Network Time Protocol. Nhà sáng tạo Linux, Linus torvalds, từng cho biết "Hầu như mỗi lần thời gian dài ra thêm 1 giây như thế, chúng tôi đều phát hiện ra một sự cố nào đó. Nó thực sự khó chịu, vì đó là trường hợp mã (code) đặc biệt hầu như không bao giờ được chạy, và vì thế không được người dùng thử nghiệm trong các điều kiện thông thường".
Các công ty đều buộc phải sáng tạo ra một giải pháp riêng. Với Google, kỹ sư trưởng phụ trách ổn định website Christopher Pascoe giải thích rằng, giải pháp thông thường của Google là chỉnh các đồng hồ quay lại 1 giây vào cuối ngày.
Tuy nhiên, Pascoe nói rằng giải pháp này cũng gây một số vấn đề, chẳng hạn như"điều gì xảy ra khi các hoạt động được thực hiện vào đúng giây đó? Liệu một email được gửi đi đúng vào "thời khắc định mệnh" kia có được lưu như thông thường hay không?"
Chính vì thế, vào "cái ngày hôm đó" (ngày mà một giây thừa được đồng hồ nguyên tử bổ sung, và trong năm 2015 này sẽ là ngày 30/6), Google cắt nhỏ 1 giây thừa kia thành các mili-giây, sau đó tiếp tục chia nhỏ thời gian vào hệ thống sao cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bình thường và như không có gì khác biệt
Tất nhiên, không phải mọi website, mọi công ty đều có đủ nguồn lực để thực hiện các giải pháp chống đỡ với sự cố 1 giây này. Và khi ngày 30/6/2015 đến, có thể sẽ có một vài trang web bị sập.
Tại Mỹ, một số ý kiến đề nghị bỏ qua giây thừa kia, và mặc kệ sự không đồng nhất giữa đồng hồ nguyên tử và sự biến động của thời gian thiên văn. Tuy nhiên, làm như thế nghĩa là mọi ý niệm về thời gian của chúng ta sẽ bị sai lệch.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]