HTC là một ví dụ điển hình về tốc độ thay đổi của thị trường smartphone. Trong suốt 16 năm tồn tại của mình đến nay, HTC xuất phát điểm từ công ty chuyên gia công thiết bị cho các hãng khác để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2011. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, thương hiệu HTC dường như đã "nguội" dần, tình hình tài chính cũng không còn khả quan nữa. Vậy tại sao mà HTC, đối tác Android đầu tiên của Google đã phát triển một cách thần kỳ nhưng cũng “sa ngã” chóng vánh như vậy?
Khởi đầu khiêm tốn
HTC được thành lập vào năm 1997 bởi Cher Wang và H. T. Cho với tên gọi tiền thân là tập đoàn máy tính công nghệ cao “High-Tech Computer Corporation”, tên gọi này tồn tại đến năm 2008 và rút gọn thành HTC như bây giờ. Dưới sự dẫn dắt của CEO Peter Chou, một người bạn của Wang, công ty Đài Loan ban đầu “dính” vào một dự án laptop thảm họa, nhưng may mắn đã sớm đổi hướng để chuyển sang sản xuất PDA và điện thoại di động cho các công ty khác. Bắt đầu với Compaq, sau đó là HP và Palm, HTC nhanh chóng xây dựng được danh tiếng trong giới sản xuất công nghệ cao.
Sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và các mối quan hệ quý giá, HTC đã thoát ra khỏi cái bóng của một công ty chuyên gia công thuê. 2008 là một năm có tính chất bản lề khi hãng tự ra mắt chiếc điện thoại T-Mobile G1 (HTC Dream) chạy Android đầu tiên trên thế giới. Máy sở hữu màn hình 3,2 inch độ phân giải 320x480 pixel cùng vi xử lý 528 MHz, RAM 192MB và camera 3,15MP. Theo số liệu thống kê thì G1 đã bán được 1 triệu chiếc sau 6 tháng ra mắt tại Mỹ.
Tiếp đà thành công, HTC lần lượt trình làng thêm smartphone HTC Magic (T-Mobile myTouch 3G) và vào tháng 7/2009 là chiếc Hero, smartphone HTC đầu tiên mang giao diện Sense. Sau đó, 2 sản phẩm nữa được công bố là Tattoo và Droid Eris. Song sang đến 2010 mới là lúc HTC thực sự cất cánh. Hãng điện thoại Đài Loan đã hợp tác cùng Google để phát hành Nexus One vốn có rất nhiều điểm tương đồng với người anh em HTC Desire.
Nexus One là sự đảm bảo khẳng định vị thế của HTC với Google trước rất nhiều đối thủ khác cũng đang tham gia vào nền tảng Android. Có thể nói Desire là một sản phẩm thành công của HTC. Nhưng không hề ngủ quên trên chiến thắng, HTC tiếp tục ra mắt hàng loạt mẫu smartphone đình đám khi đó là Droid Incredible, Legend và model giá rẻ HTC Wildfire.
Đạt đỉnh
Đỉnh điểm thành công mà HTC đạt được là vào quý III năm 2011 khi lợi nhuận sau thuế của công ty thu về tới 625 triệu USD. Hãng nhanh chóng chen chân vào top 3 sau Samsung và Apple, chiếm chỗ của Nokia nếu xét về giá trị dựa trên doanh số gia tăng. Theo Bloomberg, HTC khi đó là nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Mỹ với 24% thị phần. Các giải thưởng, danh vọng và tiền bạc đều cùng lúc mỉm cười với HTC. Nhưng chuỗi ngày thăng hoa cũng chẳng diễn ra lâu bởi Samsung đã bắt đầu chứng tỏ họ mới là thế lực hùng mạnh trên mảnh đất Android.
Dần dần, HTC bắt đầu bộc lộ những sơ hở, những toan tính vững chắc cũng không còn như trước. Công ty thông báo lỗ lần đầu tiên vào tháng 10/2013 với khoảng lỗ 101 triệu USD. Đây là điều đã được dự báo trước. Doanh thu ước đạt quý III/2011 là 4,54 tỉ USD cũng giảm xuống chỉ còn 1,6 tỉ USD vào quý trước. Không nghi ngờ gì nữa, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ Samsung đã khiến HTC tụt dốc không phanh. Song tất nhiên vẫn còn có những nguyên nhân chủ quan đến từ chính hãng điện thoại này.
Ném tiền qua cửa sổ
Cụ thể, với số tiền kiếm được, HTC bắt đầu mua lại các bằng sáng chế để tự bảo vệ mình tránh xa khỏi các vụ kiện, đặc biệt là các vụ kiện bản quyền đến từ Microsoft và Apple. Hãng đã chi 75 triệu USD để mua lại hàng loạt bằng sáng chế của ADC Telecom. Sau đó là thương vụ mua lại S3 Graphics với giá 300 triệu USD. Bất chấp những nỗ lực phòng vệ trên, kể cả với sự hỗ trợ của Google thông qua cách cho mượn bằng sáng chế để chống lại Apple, HTC vẫn thất bại tại tòa. Cuối cùng, hãng phải bằng lòng ký thỏa thuận bản quyền với Microsoft và Apple. Từ đó, với mỗi thiết bị Android bán ra, HTC sẽ phải trả cho 2 hãng trên một khoản tiền bản quyền nhất định.
Bên cạnh đó, công ty Đài Loan cũng tiến hành một số khoản đầu tư không sinh lời. Theo đó, HTC đã dành ra 40 triệu USD cho dịch vụ game OnLive, 18,5 triệu USD để mua lại dịch vụ đám mây Dashwire, chi 35 triệu USD cho công ty ứng dụng doanh nghiệp Magnet Systems, rồi vung tay mua 300 triệu USD cổ phiếu để có quyền kiểm soát đối với Beats Electronics. Sau đó, khi tình hình tài chính đi xuống trông thấy, HTC cuối cùng phải bán đi một nửa số cổ phần của mình tại Beats với giá 150 triệu USD vào mùa hè 2012, sau đó bán tiếp phần còn lại với giá 265 triệu USD vào mùa hè vừa qua. Mặc dù đã rất cố gắng xây dựng thương hiệu Beats trên smartphone, nhưng rốt cuộc nó cũng không giúp ích được nhiều cho HTC như mong đợi.
Đầu tiên chưa chắc đã là tốt
Chúng ta luôn ca ngợi việc cần tới một sự đổi mới trong thế giới công nghệ, nhưng đôi khi phá vỡ các rào cản để trở thành người đầu tiên lại là con dao hai lưỡi. Vào năm 2010, HTC đã trình làng EVO 4G, smartphone hỗ trợ mạng 4G đầu tiên được ra mắt tại Mỹ với nhà mạng Sprint. Thunderbolt và Vivid vào năm sau đó cũng trở thành smartphone LTE đầu tiên, có trên kệ hàng của Verizon và AT&T.
Nhưng đáng buồn là khi đó nhu cầu thị trường vẫn còn rất thưa thớt, ngoài ra thời lượng pin của các sản phẩm này cũng bị các khách hàng phàn nàn rất nhiều. Bước đi quá vội vã cuối cùng gần như không đem đến lợi thế gì cho HTC.
Marketing nửa vời
Trong suốt năm 2011 và 2012, HTC liên tục phát hành thiết bị vô tội vạ, thậm chí một số chỉ là phiên bản cải tiến nhẹ của thế hệ trước đó bằng cách thêm chữ S vào cuối tên cùng với một loạt sản phẩm gọi là mới nhưng chỉ đơn thuần là bổ sung kết nối 4G. Chẳng hạn lấy chiếc Evo làm ví dụ. Nguyên bản ban đầu là HTC Evo 4G, sau đó HTC ra tiếp Evo 3D, HTC Evo 4G LTE, HTC Evo Shift 4G, HTC Evo Design 4G và cuối cùng là HTC Evo View 4G. Thế còn dòng Desire? Sau chiếc HTC Desire nguyên bản là HTC Desire Z, HTC Desire S, HTC Desire C, HTC Desire V và HTC Desire X. Gần đây là HTC 200, 500, 600 và 601.
Quy ước đặt tên lộn xộn không phải là vấn đề duy nhất. Chiếc Wildfire là tín hiệu đầu tiên cho thấy HTC có thể lệch hướng khi tách khỏi thị trường cao cấp, nhưng không ai ngờ HTC lại có thể tung ra chiếc ChaCha và Salsa với phím cứng Facebook vô dụng. Sự thật là các smartphone tầm trung của HTC hầu như khó gây được tiếng vang do giá bán thường đắt hơn các sản phẩm cùng đẳng cấp của các hãng khác.
Không chỉ thiếu vắng những flagship toàn diện thực sự, HTC còn không thể cạnh tranh với Apple hay Samsung trong lĩnh vực marketing. Cả 2 công ty kia đều vượt mặt HTC về số tiền chi cho quảng cáo. Samsung cũng tung ra vô số sản phẩm như một mớ lộn xộn, nhưng ít ra họ vẫn tập trung toàn tâm toàn ý vào dòng sản phẩm đem về nhiều doanh thu nhất: Galaxy S và Galaxy Note. Apple cũng làm điều tương tự với iPhone.
Niềm tin lung lay
Nếu nhìn vào các thiết bị HTC của một, hai năm trước, dễ thấy rằng các mẫu smartphone này bộc lộ khá nhiều hạn chế ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng. Trước hết là giao diện Sense tương đối nặng cản trở tới hiệu suất hoạt động. Bên cạnh đó, việc cập nhật hệ điều hành chậm chạp, thời lượng pin yếu và giá chát cũng khiến niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm. Nói tóm lại, HTC không chỉ thất bại khi cố gắng thu hút khách hàng mới, hãng còn làm những khách hàng hiện tại nổi giận.
Trở lại với HTC One
Không thể phủ nhận HTC One X là chiếc điện thoại nhận được nhiều đánh gia tích cực nhưng cuối cùng Galaxy S III của Samsung mới là kẻ chiến thắng rõ ràng cả về doanh số và doanh thu. Không dễ dàng buông xuôi, đầu năm nay hãng điện thoại Đài Loan đã chính thức trình làng siêu phẩm HTC One. Mọi thứ đều thực sự rất hoàn hảo với One nhờ thiết kế vỏ nhôm sang trọng, cấu hình đầu bảng và giao diện Sense được làm mới, nhẹ nhàng và đẹp tinh tế. Doanh số 5 triệu chiếc trong tháng đầu tiên đánh dấu khoảnh khắc lóe sáng xuất thần trong một thời gian dài của HTC.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Chỉ đáng tiếc là HTC One sinh ra không hợp thời bởi Samsung còn có Galaxy S4. Smartphone này đã ghi nhận doanh số ấn tượng 10 triệu chiếc ngay trong tháng đầu tiên. Rõ ràng, Galaxy S4 không phải tay vừa, bên cạnh đó Samsung còn xây dựng được cho mình một lực lượng khách hàng trung thành đông đảo, chiến dịch quảng bá rầm rộ và rất nhiều tiện ích thông minh đi kèm.
Thường thường người dùng khi đầu tư, họ sẽ chỉ quan tâm kẻ số 1 là ai mà thôi, những số 2, số 3 sau đó dù tốt cũng chỉ là lựa chọn thứ cấp. Sau chuỗi ngày khởi đầu tương đối êm đẹp, HTC One cũng nhanh chóng chìm xuống bởi khác với nền tảng iOS, tốc độ thay đổi phần cứng của Android còn nhanh hơn “thay áo”. Một loạt thế hệ smartphone mới mạnh mẽ hơn tiếp tục trình làng và hớp hồn người dùng với phần cứng top đầu. Việc HTC ra mắt One Max với cảm biến vân tay chắp vá cùng thiết kế và cấu hình của HTC One dường như đã cho thấy việc công ty này đang cạn ý tưởng.
Tương lai mịt mù?
Con đường trở lại đỉnh cao của HTC không còn trải dài bằng hoa hồng như thời điểm 2011 nữa. Không chỉ đối mặt với tình hình tài chính khó khăn mà ngay cả nội bộ HTC cũng có sự lục đục. HTC đang phải đối mặt với bài toán hóc búa thật sự, thay đổi nhưng thay đổi như thế nào?
Theo Đài Trang - Nguoiduatin.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]