Cầm gần 50 triệu đồng sau khi bán hơn 70 ETC (một loại tiền kỹ thuật số), Phúc Minh (Hoài Đức, Hà Nội), hớn hở với một phần thành quả sau hơn ba tháng "đào". Đồng tiền kỹ thuật số mà Minh khai thác đã tăng giá gấp đôi từ khi anh bắt đầu "cày", từ khoảng 15 USD hồi cuối tháng chín lên hơn 30 USD hôm 29/11.
"Ngày mới "đào", giá ETC ở mức 15 USD rồi tăng lên hơn 20 USD mỗi đồng nên tôi hứng khởi lắm", Minh chia sẻ. "Tuy nhiên sau "sóng" tăng đó, ETC sụt còn 10 USD và cứ "ì ạch" như vậy đến đầu tháng 11. Lợi nhuận tính được lúc đó khá thấp nên nhiều lúc chán nản, trong khi tiền mua máy hơn 200 triệu nhưng phải đi vay mất một phần ba".
Ngoài tiền mua thiết bị, Minh cho biết để trả gần 5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng "nuôi" bốn cỗ máy có tổng công suất gần 3.500 W, có thời điểm anh tiếp tục phải mượn thêm từ người thân. "Đã vài lần mình định bán coin đi để trả tiền điện, tiền vay mua máy nhưng giá thấp nên tiếc. Đợt này được giá, mình quyết định bán gần hết để trả nợ cũng như thu vốn về", anh phấn khởi.
ETC, đồng mà Minh khai thác, chỉ là một trong số rất nhiều tiền điện tử tăng giá "chóng mặt" cùng với "cơn sốt" Bitcoin. Đồng tiền được cho là quyền lực nhất trong lĩnh vực này, Bitcoin, đã tăng giá hơn 2,5 lần so với cách đây ba tháng để cán mốc gần 11.500 USD (hơn 260 triệu đồng). Trong khi đó các đồng ETH, XMR, LTC hay DASH... cũng liên tục lập đỉnh giá mới.
Trường hợp của Minh chỉ là một trong số rất nhiều người đang đầu tư máy "đào" tiền điện tử tại Việt Nam. Hàng trăm nhóm trên Facebook được thành lập, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia thảo luận về "đào" tiền điện tử, phần nào cho thấy sức "nóng" của lĩnh vực này.
Những người đầu tư "đào" tiền điện tử thường tự gọi vui mình là "nông dân", còn máy đào là "trâu". Và để tậu "trâu", một số người đã vay tiền đầu tư bởi hấp dẫn trước những con số lợi nhuận "khủng", thời gian thu hồi vốn rất ngắn và công việc tưởng như nhàn hạ. Tuy nhiên, lĩnh vực này không đơn giản và cũng nhiều rủi ro.
Đức Hùng, chủ một "trại trâu" với hơn 200 máy đào coin ở Sơn Tây, Hà Nội, cho rằng đầu tư máy đào coin đòi hỏi sự chuyên nghiệp chứ không dành cho những "tay mơ". Số vốn bỏ ra không hề nhỏ khi người đầu tư sẽ mất khoảng 50 triệu đồng để "tậu" một "trâu", chi phí điện hết 1,5 triệu đồng mỗi tháng với giá điện gia đình.
"Là cỗ máy tính với card đồ hoạ công suất lớn, hoạt động liên tục nên máy đào toả nhiệt rất nhiều, thường trên 50 độ, nếu đặt chung trong nhà sẽ rất nóng, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt", anh Hùng cho biết. "Nếu lắp trên hai 'trâu' thì phải lưu ý đường điện có đủ tải không, điện và mạng Internet phải thật ổn định".
Ngoài ra, "trâu cày coin" đôi khi cũng gặp trục trặc do cả phần mềm và phần cứng, vừa gây ảnh hưởng tới doanh thu, vừa mất thời gian và cả tiền bạc nếu phải sửa chữa, thay thế hay bảo hành. "Do hoạt động 24/7 và chạy hết công suất, chạy vượt công suất nên độ bền của máy đào cũng là vấn đề cần lưu ý", anh Hùng nói.
Việc các đồng tiền điện tử lên giá có thể không đem lại nhiều hơn lợi nhuận mỗi tháng cho nhà đầu tư. Khi một coin tăng giá nó sẽ khiến nhiều người nhảy vào khai thác hơn, làm cho số coin kiếm được mỗi ngày giảm đi, lợi nhuận thành ra không tăng. "Việc giá coin tăng mạnh thậm chí có thể làm giảm doanh thu của "nông dân", xét về lâu dài", anh Hùng nhận định.
Trường hợp của Phúc Minh, số coin "đào" vẫn tiếp tục được chuyển về "ví ảo" của anh mỗi ngày, nhưng khoản tiền đầu tư 150 triệu chưa thu hồi được là thật, 5 triệu đồng trả tiền điện hàng tháng là thật. Anh nhẩm tính sẽ mất thêm khoảng nửa năm nữa để hồi vốn, với điều kiện mọi thứ cứ tốt đẹp như những gì anh tính trên giấy.