Bà Aimee Stapleton, chủ trì nghiên cứu tạo ra điện từ nước mắt người - Ảnh: TRUE MEDIA
Theo đài Foxnews (Mỹ), đây là lời khuyên nên được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó, vì hóa ra nước mắt, hay nói chính xác hơn, một loại protein có trong nước mắt của bạn, có thể sản sinh ra điện.
Loại protein này có tên là lysozyme, cũng đã được tìm thấy trong phần lòng trắng trứng, nước bọt và sữa. Bằng cách tạo lực cơ học và cảm nhận điện năng, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Bernal thuộc đại học Limerick ở Ireland đã phát hiện ra khả năng tạo ra điện đặc biệt của nước mắt người.
Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên ấn phẩm ra ngày 2-10 của tạp chí khoa học Applied Physics Letters.
Khả năng tạo ra điện bằng phương pháp tạo áp lực (còn gọi là hiệu ứng áp điện) đã được giới khoa học biết tới và hiểu rõ trong nhiều năm.
Quá trình này cũng đã được ứng dụng cho các loại khoáng chất như thạch anh để cung cấp điện năng cho các thiết bị cộng hưởng và tạo dao động trong điện thoại di động, các thiết bị dò tìm sonar dưới đáy sâu đại dương và chụp ảnh siêu âm.
Trong số những vật chất có tính năng áp điện, người ta đã biết tới 3 loại là xương, gân và gỗ. Và nay, các nhà khoa học Ireland tìm ra được thêm một vật chất khác, đó là nước mắt, hay chính xác hơn là loại protein có tên lysozyme có trong nước mắt.
Nhà khoa học Tewfik Soulimane, một chuyên gia sinh vật cấu trúc, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: "Cấu trúc chính xác cao của các tinh thể lysozyme đã được biết tới từ năm 1965. Trên thực tế, đó là cấu trúc protein thứ hai và cũng là cấu trúc protein đầu tiên từng được khám phá. Tuy nhiên chúng tôi là những người đầu tiên sử dụng các tinh thể này để chứng minh hiệu ứng áp điện của loại protein này".
Nhà vật lý Aimee Stapleton, tác giả chủ trì nghiên cứu, nói: "Mặc dù áp điện đã được sử dụng nhiều xung quanh chúng ta, nhưng khả năng tạo ra điện từ loại protein cụ thể này thì chưa từng được khám phá".
Cũng theo nhà nghiên cứu Aimee Stapleton: "Quy mô hiệu ứng áp điện trong các tinh thể lysozyme là rất đáng kể. Nó cũng ngang ngửa với mức áp điện đã được tìm thấy trong thạch anh".
Điều đáng chú ý nữa là vì nước mắt là một vật chất sinh học nên nó không độc, do đó có thể hứa hẹn nhiều khả năng ứng dụng đột phá khác trong lĩnh vực y học chăm sóc sức khỏe con người.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cùng với các nghiên cứu khác sẽ tiếp tục được thực hiện, trong tương lai người ta có thể tạo ra được các thiết bị y sinh có thể sử dụng lysozyme để tạo lực đẩy giúp kiểm soát việc đưa thuốc vào cơ thể. Hiện tại những thiết bị áp điện kiểu như vậy đã có, song nhiều loại vẫn chứa các thành tố gây độc như chì.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]