Bạn có thể tìm thấy những dòng giới thiệu hấp dẫn sau đây trong những cuốn tiểu thuyết: “Chào mừng các bạn đến với Công viên Mặt trăng. Bên tay trái, bạn sẽ tìm thấy nhà máy lọc và làm tan băng, sân đánh tennis thì ở trên mép vách đá, và đây là chìa khóa vạn năng để vào ngôi nhà được vận hành bằng robot của bạn”. Tuy nhiên, để những điều này thành hiện thực thì phải có những người đi tiên phong.
Bernard Foing, đại sứ dự án Ngôi làng Mặt trăng do Cơ quan Không gian châu Âu ESA khởi xướng đã có buổi trình bày tại Hội nghị Khoa học Hành tinh Châu Âu năm 2017 ở Riga, Latvia. Ông đã phác thảo những cảnh tượng đầu tiên về đời sống cộng đồng trên bề mặt vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất. Và đây không phải là hình ảnh về các phòng thí nghiệm có tường vôi trắng toát hay những máy móc vô hồn.
Công cuộc xây dựng Mặt Trăng sẽ được đặt nền móng bởi 6 đến 10 phi hành gia tiên phong và con số này có thể tăng thêm, ông Foing cho biết. Nếu chúng ta nôn nóng muốn chuyển lên Mặt Trăng, ít nhất chúng ta cũng phải có một nơi định cư tươm tất cho khoảng 100 người.
"Năm 2050, nơi này có thể chứa được hàng ngàn người", ông Foing nói. Họ có thể lập gia đình và sinh con. "Chỉ vài thập kỷ nữa thôi, có thể những em bé đầu tiên sẽ chào đời trên Mặt Trăng", ông Foing hào hứng chia sẻ.
Xây dựng cuộc sống trên Mặt trăng (Ảnh: Internet)
Hãy quên đi những hình dung của bạn về một Trạm Không gian Quốc tế (ISS) giống như khách sạn trên Mặt Trăng trước đây. Để duy trì một cộng đồng thịnh vượng trong thời gian dài, làng Mặt trăng sẽ phải sử dụng các vật liệu tại nơi đây để duy trì cuộc sống và xây dựng các công trình.
Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu phải tìm cách để trồng cây và phát triển công nghệ in 3D quy mô lớn dựa trên nguyên liệu đá và quặng của Mặt trăng, cũng như lấy nước từ trầm tích băng giá. Họ cũng phải tạo ra không gian để giải trí, thư giãn nhằm thúc đẩy suy nghĩ sáng tạo hay những nơi để mọi người chơi thể thao và làm những điều mình thích.
Với việc Trạm không gian Quốc tế ngừng hoạt động vào năm 2024, các nhà khoa học sẽ phải tìm kiếm những địa điểm khác để tiến hành nghiên cứu.
Ông Jan Woerner - Tổng giám đốc của ESA, đã mô tả dự án Ngôi làng Mặt Trăng là một phần quan trọng của kỷ nguyên không gian 4.0 - sau buổi bình minh của thiên văn học, du hành vũ trụ, và những nghiên cứu trên các trạm không gian.
Theo truyền thống hợp tác quốc tế của ISS, sẽ không có một lá cờ của quốc gia nào tung bay trong địa phận của Làng Mặt Trăng. Ông Woerner cho rằng: "Làng Mặt Trăng chào đón tất cả các quốc gia và đảng phái quan tâm”.
Kể từ khi phi hành gia Gene Cernan bước chân vào con tàu Apollo 17 lịch sử để du hành lên Mặt trăng vào ngày 13 tháng 12 năm 1972 đến nay, con người chưa hề quay trở lại đây. Bốn mươi năm là một thời gian dài, và ngoài một số dự đoán và những bản thiết kế, không còn dấu hiệu gì về một nơi có thể định cư cho con người. Vậy chúng ta đang chờ đợi điều gì?
Mặt trăng là một địa điểm tiềm năng để định cư (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, theo ông Vidvuds Beldavs thuộc Trường Đại học Latvia - người điều hành dự án “Thập kỉ của Mặt Trăng trên toàn thế giới”, đã cho biết: "Những nhà lãnh đạo hàng đầu không hề quan tâm tới vấn đề này.”
Mặc dù các nhà chức trách đã từng ra sức cạnh tranh nhau về những vấn đề mang tầm quốc tế, nhưng kỉ nguyên thăm dò không gian mới chỉ thu hút có sự tham gia của một số công ty.
Những cuộc thi như X-Prize do Google tổ chức và nỗ lực thăm dò không gian do công dân tài trợ như Space X của Elon Musk là ví dụ về những cách thức mới mà con người đang thực hiện để tạo ra bước nhảy vọt từ Trái Đất đến các vì sao.
Nhà vật lý Christiane Heinicke, người đã dành một năm để sống trong môi trường giả tưởng giữa vùng dung nham khô cằn ở Hawaii, cho rằng: “Khi sống ở bên trong, bạn sẽ không thể cảm nhận được những biến động ở trên Mặt Trăng hay hành tinh bạn đang ở”.
Heinicke cũng cảnh báo sẽ không hề có chỗ thoát thân cho những thủy thủ đoàn, hay một số nhóm người trong chuyến đi thử nghiệm dài ngày này nếu có bất trắc xảy ra.
Liệu phần thưởng có xứng đáng với những nỗ lực họ đã bỏ ra không, thời gian sẽ trả lời.
Heli 3, một chất đồng vị hiếm ở Trái Đất nhưng lại phổ biến trên Mặt Trăng, về lý thuyết có thể dùng để tạo ra năng lượng hạt nhân sạch và an toàn hơn. Còn nước trên Mặt Trăng có thể được tách ra và chuyển thành nhiên liệu tên lửa, và nó sẽ biến Mặt trăng Thành một cơ sở để tạo ra những tên lửa giá rẻ phục vụ cho những nhiệm vụ thám hiểm hệ Mặt Trời và nhiều nơi khác nữa.
Liệu điều này có đủ sức truyền cảm hứng cho những nhà khoa học công dân có nhiều tiền hay thu hút sự chú ý của các chính phủ để đổ vốn vào các nghiên cứu này không thì vẫn là câu hri chưa có đáp án.
Tuy nhiên ông Foing vẫn lạc quan. Trong ngắn hạn, với 100 triệu euro mọi người sẽ có một tấm vé để du hành vào vũ trụ đến tham quan ngôi làng Mặt Trăng. “Bây giờ giá vé là như vậy, nhưng 20 năm tới chi phí có thể sẽ chỉ bằng 1/100”, ông Foing dự đoán.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]