Điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung- cầu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Theo đó, Đề án đặt mục tiêu cơ bản là: Đổi mới, hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung- cầu; bảo đảm xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Trong giai đoạn từ 2011- 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước về đất đai dự báo đạt 700.000 tỷ đồng, bình quân thu hàng năm đạt 70.000 tỷ đồng.
Về khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản nhà nước, Đề án nhấn mạnh đến năm 2020, hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Đề án đặt mục tiêu số tiền thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như bán, chuyển nhượng cơ sở nhà, đất (cũ) dự báo đạt khoảng 18.000 tỷ đồng.
Quyết định cũng nêu rõ, về khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản kết cấu hạ tầng, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thu hút khu vực tư nhân đầu tư vốn để xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông; theo đó ngân sách nhà nước giảm bớt chi do thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng bình quân khoảng 42.000 tỷ/năm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án nhấn mạnh: Đối với nhóm giải pháp về tài chính đất đai, tiếp tục đổi mới chính sách tài chính về đất đai theo hướng Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung- cầu. Bảo đảm xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của nhà nước đồng thời đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất.
Cùng với đó, các Bộ, ngành liên quan về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai, cũng như bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Đối với nhóm giải pháp khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản nhà nước, Đề án yêu cầu đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch phải thực hiện di dời.
Ngoài ra, liên Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, cùng với Ủy ban Nhân dân các tỉnh tăng cường phối hợp, bảo đảm sớm hoàn chỉnh và công bố công khai, tạo nên quỹ nhà, đất dôi dư để bố trí, sử dụng theo quy hoạch.
Đề án cũng yêu cầu các Bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan theo hướng tạo động lực khuyến khích đối tượng thuộc diện sắp xếp, di dời và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong quá trình thực hiện./.
Theo Hùng Võ - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]