Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2014, BĐS là lĩnh vực đứng thứ 2 với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, trong đó tổng vốn đầu tư tăng thêm và đăng ký cấp mới đạt 2,54 tỷ USD, so với năm 2013, tăng gấp 3 lần.
Những nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện dự án tại Việt Nam có thể kể ra như Gamuda Land đầu tư 2 dự án khu đô thị “khủng” tại Hà Nội và Tp.HCM, Capital Land hiện nay đang có 4 dự án nhà ở thương mại, Kappel Land có tới 19 dự án được cấp phép với tổng số khoảng 22.000 căn nhà đã và sẽ đưa ra thị trường...
Ngoài phân khúc cao cấp, những phân khúc khác cũng đón nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) giữ 80% trong tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng tại Dự án City Gate Towers (thuộc quận 8, Tp.HCM); Sunwah Việt Nam (thuộc Sunwah Group) giữ 48% vốn ở Dự án chung cư số 90 (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp.HCM) với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Bên cạnh City Gate Towers, Creed và Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) còn ký kết hợp tác và triển khai hợp tác hàng loạt dự án khác nữa trong thời gian sắp tới...
Nhận định về triển vọng của thị trường BĐS Việt Nam, ông Nakata Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu (chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương) cho hay, thị trường BĐS Việt Nam đang sở hữu các ưu thế nhất định so với các nước trong khu vực như tăng trưởng kinh tế ổn định, nguồn cầu lớn, dân số trẻ... Các ưu thế đó là lý do quan trọng để những nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ vốn vào thị trường BĐS Việt Nam.
Cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (ảnh: Lê Toàn)
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, từ năm 2015, thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn hấp dẫn hơn khi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014 chính thức có hiệu lực với quy định mở rộng quyền kinh doanh và sở hữu BĐS cho người nước ngoài và Việt kiều.
Người Việt Nam “không ngại” vay tiền ngân hàng để sở hữu nhà là một yếu tố nữa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường BĐS Việt Nam mặc dù mức lãi suất còn cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề làm nhà đầu tư ngoại thận trọng khi rót vốn dù được đánh giá là khá hấp dẫn, đặc biệt là sự thiếu minh bạch và nhất quán của các chính sách pháp luật từ khi ban hành tới khi đi vào thực tiễn.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam Timothy Horton đánh giá, những Luật địa ốc mới ban hành có nhiều tư duy thông thoáng có thể tạo ra một luồng gió mới cho tất cả các phân khúc BĐS. Nhưng vấn đề lớn nhất là khả năng triển khai và tiến độ của những tư duy mới vào thị trường BĐS. Bởi vì, các quy định mới rất tiến bộ trong nhiều trường hợp đã bị “hao hụt” khi áp dụng vào thực tiễn.
Ngoài ra, Việt Nam hiện nay chưa có cơ quan nhận định thị trường chuyên nghiệp. Đánh giá và số liệu của các công ty phân tích và nghiên cứu hiện tại trên thị trường vẫn khác nhau, có khi là đối nghịch nhau. Vì thế, các phân tích, nhận định của những công ty nghiên cứu thị trường chỉ có tính tham khảo. Điều đó không chỉ làm các nhà đầu tư khó khăn trong việc xác định chiến lược kinh doanh mà khách hàng cũng bị mất phương hướng khi phải đưa ra quyết định của mình.
Thêm nữa, hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam phát triển vẫn đang dựa chủ yếu vào tâm lý nên rất khó dự đoán. Khi nhận định về sức mua trên thị trường BĐS Việt Nam bằng cách tính thu nhập bình quân đầu người, nhiều chuyên gia đã thất bại. Đặc biệt, nhiều người không thể lý giải được tại sao giá nhà ở Việt Nam cao gấp 25 lần thu nhập bình quân đầu người nhưng hàng vẫn bán được sản phẩm?
Có thể khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn nữa đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu giải quyết được bài toán minh bạch sau hành lang pháp lý.
Theo Batdongsan.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]