Trước đó, báo Pháp luật Tp.HCM đã có bài phản ánh tình trạng mua bán nhà, đất đồng sử dụng đang diễn ra phổ biến tại các quận, huyện của Tp.HCM như huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9, 12…
Về vấn đề này, nhiều địa phương cho biết, pháp luật hiện không cấm nên họ lúng túng không biết phải xử lý thế nào.
Giải pháp trước mắt là cảnh báo người mua
Huyện Nhà Bè là một trong những địa phương xảy ra tình trạng mua bán nhà, đất đồng sử dụng, cả những trường hợp mua bán bằng giấy tay (như tại hẻm 148 đường Nguyễn Bình, xã Phước Lộc). Theo lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, huyện ghi nhận tình trạng này và đã gửi báo cáo đến các sở, ngành và UBND thành phố.
Lãnh đạo huyện này cho biết, dù biết người dân mua đất, xin giấy phép xây dựng đồng sử dụng nhưng huyện cũng không thể từ chối cấp phép cho dân. Bởi luật đất đai, nhà ở, dân sự hiện nay không cấm người dân chung nhau quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản.
Lãnh đạo huyện Nhà Bè phân tích, luật không cấm người dân đồng sử dụng nhưng cũng không giới hạn số lượng người cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không quy định diện tích đất mỗi người được sử dụng. Luật cũng không khống chế diện tích đất được phép chuyển mục đích sang đất ở nên người có đất có thể chuyển theo nhu cầu. Hơn nữa, Luật Xây dựng và các văn bản liên quan không giới hạn một căn nhà được xây bao nhiêu phòng, bao nhiêu diện tích mà chỉ quy định về mật độ xây dựng, khoảng lùi, chiều cao, phù hợp với mục đích và quy hoạch sử dụng đất. Do đó, trong những trường hợp này, không có cơ sở nào để không cấp phép xây dựng cho người dân.
Khi mua nhà, đất đồng sử dụng, ngoài rủi ro về mặt pháp lý, hạ tầng cũng không đảm bảo. Trong ảnh: Một trường hợp nhà, đất đồng sử dụng ở đường Võ Văn Hát, phường Trường Thạnh, quận 9. Ảnh: Việt Hoa. |
Về việc sử dụng một giấy phép để xây dựng nhiều nhà, đại diện huyện Nhà Bè cho biết thêm, theo Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp đến kết cấu bên trong căn nhà như vách ngăn, cầu thang… Vì thế, dù biết người dân dùng 1 giấy phép để xây nhiều nhà nhưng cũng không thể xử phạt. Trước mắt, huyện Nhà Bè chỉ có thể khuyến cáo người dân không nên mua bán nhà, đất theo hình thức này vì rủi ro rất cao.
Kiểm soát chặt chẽ việc lập vi bằng
Hiện nay, với nhà, đất đồng sử dụng, việc mua bán bằng giấy tay và lập vi bằng làm chứng khiến người dân dễ hiểu nhầm là đã có sự xác nhận của cơ quan nhà nước.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp.HCM khẳng định, hiện, các văn phòng thừa phát lại không làm chứng cho việc mua bán nhà, đất của hai bên mà chỉ có chức năng lập vi bằng làm chứng cho việc giao nhận tiền.
Bà Thuận cho biết, Sở Tư pháp đang có kế hoạch kiểm tra, rà soát lại hoạt động của văn phòng thừa phát lại trên toàn thành phố. Bà Thuận nói: “Nếu phát hiện có vi phạm, sẽ xử lý và chấn chỉnh theo quy định của pháp luật”.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, trong tuần sau, Giám đốc Sở Xây dựng sẽ làm việc với các quận, huyện xảy ra tình trạng nhà 3 chung này (chung giấy phép xây dựng, chung quyền sử dụng đất, chung số nhà). Từ đó sẽ thống nhất việc áp dụng pháp luật về cấp phép xây dựng, xử lý vi phạm với những trường hợp này.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, loại hình nhà ở này đáp ứng nhu cầu của những người dân có thu nhập thấp và của thị trường hiện nay. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng nói: “Điều này là tốt nhưng vấn đề là phải quản lý thế nào cho đúng quy hoạch, đảm bảo hạ tầng cũng như các tiêu chuẩn về nhà ở, không biến thành khu ổ chuột để chính những người mua nhà phải chịu hậu quả sau này”.
Ông cũng cho biết, thành phố hiện đang thừa nhận hiện tượng này ở mức độ chung quyền sử dụng đất và chưa cấm hay có hình thức xử lý nào tương tự.
Theo ông Long, tới đây, sau khi cùng các địa phương rà soát, từ thực tiễn tại các địa phương, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đề xuất để ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà ở riêng lẻ sao cho phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân vừa tránh được những trường hợp biến tướng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần cảnh báo người dân để họ được biết và tránh được những rủi ro khi mua nhà ở dạng này.
Có thể kiện ra tòa nếu phát sinh tranh chấp Phó Chủ tịch UBND quận 9, Tp.HCM, ông Hoàng Minh Tuấn Anh cũng cho rằng, pháp luật hiện nay không cấm các giao dịch liên quan đến quyền đồng sở hữu nhà ở, đồng sử dụng đất. Vì thế, địa phương vẫn cấp phép bình thường nếu người dân xin phép xây dựng. Ông Tuấn Anh cho hay: “Việc mua bán của người dân là giao dịch dân sự, có thể kiện ra tòa nếu phát sinh tranh chấp. Ở góc độ quản lý, để tránh rủi ro cho dân, quận cũng chỉ thông tin cho các phường để cảnh báo người dân không nên mua nhà, đất dạng này". Theo phòng TN&MT quận 9, trước đây, quận có thể thống kê được số lượng mua bán kiểu đồng sử dụng khi còn có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp chuyển nhượng. Từ đó có thể thông tin đến các phường có tình trạng này để lưu ý. Tuy nhiên, hiện nay, Sở là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy sau khi đã có chuyển nhượng nên rất khó kiểm soát tình trạng này. Huyện Bình Chánh cũng không thể trả hồ sơ xin phép xây dựng khi họ xin một giấy phép rồi xây nhiều nhà. Bởi thực tế, quy trình, thủ tục cấp phép… vẫn đúng quy định. Người dân khi mua nhà dạng này có nhiều hạn chế như phải chung giấy tờ, chưa đảm bảo cấp thoát nước… Huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi họ mua nhà, đất dạng này. Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, Tp.HCM |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]