Hỗ trợ hậu tái định cư
Điều 19 Nghị định 47/2014 quy định về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi đất. Cụ thể, trường hợp bị thu hồi 30%-70% diện tích đất nông nghiệp thì được hỗ trợ trong 6 tháng (không di chuyển chỗ ở), 12 tháng (có di chuyển chỗ ở) và 24 tháng (di chuyển đến nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn). Trường hợp bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp thì thời gian được hỗ trợ lần lượt là 12, 24 và 36 tháng.
Mức hỗ trợ tương đương 30 kg gạo/người/tháng theo thời giá tại thời điểm hỗ trợ. Bên cạnh đó, người bị thu hồi đất cũng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và kiếm việc làm mới với mức hỗ trợ bằng tiền không quá 5 lần giá đất nông nghiệp nhưng diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất tại địa phương. Đây là những quy định mới so với hệ thống văn bản của Luật Đất đai 2003, được mong chờ sẽ giảm bớt sự xáo trộn cho người bị thu hồi đất, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Thời gian qua, người dân bị giải tỏa gần như phải “tự bơi”, không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên hầu hết đời sống trở nên khó khăn hơn nơi ở cũ.
Hệ thống pháp luật đất đai mới được hy vọng sẽ giúp người dân hậu giải tỏa nhanh chóng ổn định cuộc sống
Theo ông Bùi Ngọc Tuân - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Đất đai - tinh thần của Luật Đất đai 2013 là phải xây dựng hoàn thành các khu tái định cư thì mới được giải tỏa, di dời dân. “Luật nay đã khác rồi, không vì bất cứ một lý do gì và tình huống khẩn cấp, cấp bách đến đâu mà đẩy dân ra đường. Thậm chí, theo chỉ đạo của Chính phủ, nếu không chuẩn bị được chi phí bồi thường, không xác định được các khu tái định cư thì có thể hủy dự án” - ông Tuân nhấn mạnh.
Ngăn chặn lách luật
Thời gian qua, nhà nước đã thất thu khá nhiều nguồn tài chính từ đất đai. Nghị định 43/2014 lần này siết lại các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, chỉ còn: hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - lâm nghiệp và người sử dụng đất đặc dụng - rừng phòng hộ; đất xây dựng cơ quan - trụ sở; đất công cộng…
Ngoài ra, mở rộng một số trường hợp được giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất. Một điểm mới mà ông Tuân đặc biệt nhấn mạnh là các tổ chức kinh tế sẽ được giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư nghĩa trang. Trong khi thị trường bất động sản đang đóng băng thì thị trường đất dành cho người chết lại rất nóng, tại nhiều khu vực giáp ranh với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM… đang phát triển mạnh các dự án nghĩa trang.
Tổng cục Đất đai đã làm một cuộc khảo sát nhỏ tại một xã ở TP Hà Nội cho thấy giá đất nghĩa trang lên đến 20-25 triệu đồng/m2, nhiều nhà đã lấp ao để chuyển thành đất nghĩa trang. Tuy nhiên, do luật cũ không quy định nên nhiều nhà đầu tư đã lách bằng cách đổi tên gọi thành dự án công viên vĩnh hằng.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, đơn vị nhà nước được giao đất không thu tiền sử dụng đã chiếm cứ diện tích đất khá lớn, có nhiều khu vực là “đất vàng” nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. “Họ cho thuê và phần lớn là lấy tiền chia nhau chứ không đưa vào ngân sách nhà nước” - ông Tuân nói. Vì thế, theo quy định mới, các tổ chức, đơn vị nếu chuyển mục đích sang đất kinh doanh thì phải thực hiện chế độ tài chính theo quy định của pháp luật.
Theo Batdongsan.com,vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]