“Dựa trên đề xuất của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản, vào tháng 12/2013 và tháng 2/2014 JICA đã ký kết hiệp định vay với tổng kinh phí khoảng 55 tỷ Yên cho 3 dự án là Dự án xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hà Nội (đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long); Dự án xây dựng nhà ga hành khách số 2 Sân bay Quốc tế Nội Bài (giai đoạn 3) và Dự án nâng cấp Nhà máy thủy điện Đa Nhim”, ông Mori Mutsuya nói.
Dự án đường vành đai 3 Hà Nội là một trong 3 dự án trong gói hỗ trợ 55 tỷ Yên của Nhật Bản
Trong sáng nay (6/3/2014), tại Tokyo cũng đã diễn ra lễ ký kết hiệp định vay với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ Yên cho 2 dự án là Tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh lần 2 và Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 4). Đến cuối tháng 3/2014, Jica dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp khoản vay với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ Yên.
Nói về các dự án vừa ký kết, ông Mori Mutsuya cho biết: “Dự kiến hoàn thành trong năm 2015, Cầu Nhật Tân (Cầu Hữu nghị Việt-Nhật) và Nhà ga hành khách số 2 Sân bay Quốc tế Nội Bài được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang tăng nhanh, cũng như tăng cường năng lực vận chuyển giữa khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và Sân bay Quốc tế Nội Bài. Gia tăng vận chuyển hàng hóa và lưu thông hành khách sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Đối với dự án Cảng Lạch Huyện, hiện đang được xây dựng tại thành phố Hải phòng, là dự án có quy mô lớn, với tổng kinh phí 140 tỷ yên. Trong đó, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng chung cho cảng đã được bắt đầu và phần cầu đường ôtô, được khởi công vào ngày 15/2 vừa qua, đang được triển khai bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Nếu thành công, đây sẽ là dự án hợp tác công-tư (PPP) chính thức đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông”.
Về thông tin phía Nhật Bản đang rất e ngại đối với việc thiếu an toàn tại các dự án ODA đang triển khai tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya khẳng định: “ODA là nguồn vốn dựa trên nguồn thuế của người dân Nhật Bản, vì thế Nhật Bản sẽ không chấp nhận tình trạng thiếu an toàn của các dự án nhận nguồn vốn ODA”.
Thông tin khác từ JICA cũng cho hay, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi thông báo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam về danh sách những dự án hợp tác kỹ thuật mới, dự định thực hiện từ năm tài chính 2014, và các khóa đào tạo tại Nhật Bản… trong đó con số cụ thể được công bố bao gồm 12 dự án hợp tác kỹ thuật và 71 khóa đào tạo.
Ông Mori Mutsuya cho biết thêm: “Với tổng số vốn vay đạt khoảng 200 tỷ Yên trong năm tài khóa 2013, vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vẫn duy trì ỏ mức cao so với năm tài khóa 2011, 2012”.
Số liệu từ JICA cũng cho thấy, hợp tác vốn vay của Nhật Bản và Việt Nam trong năm tài khóa từ 1992 – 2012 vào khoảng 2.000 tỷ Yên, riêng năm 2013 dự kiến khoảng 200 tỷ Yên. Vốn viện trợ không hoàn lại là 84 tỷ Yên.
Cũng trong năm tài khóa 1992 – 2012, Nhật Bản sẽ cử khoảng 7.000 chuyên gia và khoảng 525 tình nguyện viên sang giúp Việt Nam. Con số này của năm 2013 là khoảng 65 tình nguyện viên.
Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng sẽ tổ chức đào tạo cho khoảng 21.000 người tại Nhật Bản và nước thứ 3.
Theo Khánh An - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]