Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Cụ thể, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 không tuyên những văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 1/1/2009 trái với quy định của Luật này sẽ bị bãi bỏ. Do vậy, luật nhà ở năm 2005 và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành luật này vẫn có hiệu lực pháp lý.
Trong khi đó, tại khoản 2 điều 63 của Nghị định 71//2010/NĐ-CP, Chính Phủ không có quy định về việc tính diện tích căn hộ chung cư mua bán như thế nào mà giao cho Bộ Xây dựng quy định cụ thể, do vậy Bộ này đã đưa ra 2 cách tính diện tích căn hộ mua bán để các bên tự thỏa thuận, thống nhất và ghi trong hợp đồng (là tính theo thông thủy hoặc tính theo kích thước tim tường).
Trước đó, tại phiên giải trình “Việc ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở” do Ủy ban Pháp luật tổ chức ngày 25/2, có ý kiến cho rằng, việc ban hành thông tư 16//2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng không thống nhất với Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010 trong quy định về sở hữu chung, sở hữu riêng trong chung cư, dẫn đến nhiều trường hợp tranh cãi, kiện cáo giữa khách hàng với chủ đầu tư.
Cụ thể là trong cách tính diện tích nhà chung cư hiện nay, một số chủ đầu tư sử dụng cách tính diện tích từ tim tường, trong đó tính phần cột, hộp kỹ thuật… nằm trong diện tích căn hộ để tính tiền khách hàng, thậm chí tính diện tích theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ.
Còn tại khoản 2 điều 21, thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng quy định: Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư… phải ghi rõ thêm các nội dung: phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ).
Lý giải việc này, theo thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, căn hộ chung cư có tính đặc thù về sở hữu và sử dụng, vì vậy cách tính diện tích căn hộ nhà chung cư cũng khác so với cách tính nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, đơn giá bán nhà theo hai phương pháp tính do thỏa thuận giữa hai bên, nhà nước không áp đặt giá bán nhà ở thương mại, vì đây là giao dịch dân sự.
Do vậy, thông tư 16/2010/TT-BXD ban hành đúng luật và Nghị định, cũng như Bộ Xây dựng ban hành đúng trách nhiệm và thẩm quyền được giao, đã được các nước trên thế giới áp dụng... Còn việc xảy ra tranh chấp là do khâu tuyên truyền, phổ biến giải thích chưa triệt để. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật của một số doanh nghiệp không minh bạch theo quy định hiện hành, cụ thể là trong hợp đồng ghi không rõ ràng.
"Nhưng hợp đồng nào trái với Nghị định 71/2010/NĐ-CP, trái với thông tư 16/2010/TT-BXD sẽ phải bị xử lý," ông Nam nói.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Nguyễn Văn Nên cũng cho hay hiện Phó Thủ tướng Chính Phủ phụ trách lĩnh vực trên đã nghe báo cáo của Bộ Xây dựng về những ý kiến trái chiều xung quanh việc ban hành thông tư 16, và trong thời gian tới thường trực Chính Phủ sẽ xem xét giải quyết.
"Chính Phủ đã yêu cầu các Bộ khi chuẩn bị ban hành các văn bản pháp luật đều phải rà soát để không được trái với Hiếp pháp và luật. Tuy nhiên, nếu quy định nào đưa ra mà không tạo sự đồng thuận của người dân và phù hợp với thực tế cũng phải xem xét điều chỉnh," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh./.
Theo Đức Duy - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]