Xung quanh đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ sàn là hoàn toàn hợp lý.
Người dân được hưởng lợi?
Năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành quy định bắt buộc chủ đầu tư phải bán hàng qua sàn giao dịch BĐS là trái với thông lệ giao dịch BĐS trên thế giới. Bởi lẽ, cách thức giao dịch là quyền của người mua cũng như người bán. Việc bắt buộc này đã tạo điều kiện và cơ chế cho bên thứ ba là sàn giao dịch BĐS đã trở thành nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, các sàn có thể “ung dung” thổi giá, dẫn đến thị trường BĐS tạo ra một cơn sốt giá ảo.
Sau nhiều năm áp dụng các giao dịch mua bán qua sàn BĐS, thấy việc quy định này là bất hợp lý, Bộ Xây dựng đã đề xuất không bắt buộc giao dịch qua sàn BĐS, với động thái này, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ dần được “hâm nóng”.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Quang Hồng, một nhà đầu tư BĐS chia sẻ, đề xuất của Bộ Xây dựng hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, nếu cứ bắt buộc khi giao dịch đều phải thông qua sàn thì khách hàng luôn là người bị thua thiệt, vì sàn giao dịch sẽ “thổi giá” để hưởng chênh lệch so với giá gốc chủ đầu tư đưa ra. Hơn nữa, trong thời gian qua, tình trạng khiếu kiện liên quan đến các sàn giao dịch BĐS diễn ra khá nhiều, chỉ với một lý do là sau khi nhận tiền từ khách hàng, nhiều sàn đã không nộp đủ số tiền cho chủ đầu tư mà khách hàng đã đóng dẫn đến xảy ra khiếu kiện giữa các bên.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Xây dựng, ông Dương Đức Cường, Giám đốc Công ty Đầu tư Hạ tầng Đô thị Viglacera nhận định, việc giao dịch sàn hay không bỏ sàn thì chủ đầu tư cũng không ảnh hưởng. Người dân sẽ được hưởng lợi vì không bị các sàn giao dịch BĐS nâng giá để tính vào chi phí bán hàng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho hay, trước đây, Bộ Xây dựng đặt ra quy định giao dịch BĐS phải qua sàn, bây giờ thấy không hợp lý lại đề xuất bỏ. “Đáng nhẽ ra, Bộ Xây dựng chỉ quy định chung chung, nhưng đằng này lại bắt các doanh nghiệp và người dân phải thực hiện theo quy định của Bộ là bất hợp lý. Bởi lẽ, giao dịch mua bán này chỉ là một giao dịch dân sự”, ông Đực bức xúc.
Cũng theo ông Đực, chính vì quy định này mà đã xảy ra tình trạng khiếu kiện giữa các bên, khi thấy quy định này không khả thi, không đi vào thực tiễn và phải bỏ đi là điều tất yếu.
Việc giao dịch không bất buộc phải qua sàn BĐS sẽ tránh được tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường. Ảnh: TL
Sàn hoạt động, chỉ phục vụ lợi ích cho bên bán
Phân tích thêm về việc bỏ sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Văn Đực cho biết, từ trước đến nay, nhiều người vẫn tin rằng giao dịch qua sàn tính an toàn của dự án sẽ được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, lúc này, sàn BĐS hầu như đóng vai trò là một nhân chứng môi giới. “Thực tế hiện nay, các sàn BĐS kiêm luôn vai trò “buôn” BĐS, đầu cơ và cao hơn là thao túng làm giá thị trường BĐS thông qua việc mua gom căn hộ giá rẻ, thấp hơn giá niêm yết sau đó ghìm giá để bán ra thị trường với giá cao hơn nhằm ăn tiền chênh lệch”, ông Đực khẳng định.
TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nếu đơn thuần sàn giao dịch BĐS chỉ mang ý nghĩa là nơi giao dịch giữa người có nhu cầu bán với người mua thì rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay các sàn BĐS chủ yếu được các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mở ra nhằm bán các sản phẩm BĐS của chính doanh nghiệp đó.
Cũng theo TS.Phạm Sỹ Liêm, sản phẩm BĐS là do người bán tự đầu tư, tự chào bán thì rõ ràng người bán, hay nói cách khác là doanh nghiệp thì họ phải tính đến lợi nhuận trước. Rõ ràng, sàn BĐS chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho bên bán, mà khách hàng không được hưởng lợi từ các sàn này, thậm chí còn bị thua thiệt.
Còn ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường bày tỏ, hiện nay, Bộ Xây dựng đang từng bước bỏ những thủ tục không cần thiết, để giảm chi phí cho khách hàng. Vì nếu sàn BĐS có hai điểm bất lợi. Thứ nhất, chi phí qua sàn sẽ tăng lên và đương nhiên tính vào giá thành. Thứ hai, một số sàn bưng bít thông tin, khách hàng không gặp được chủ đầu tư thực sự. Chính vì vậy, khi xảy ra việc như sàn phá sản thì khách hàng không nắm được chủ đầu tư mà chỉ biết qua sàn, điều này mang lại rủi ro cho các khách hàng. Ngoài ra, khi BĐS nóng thì các sàn BĐS sẽ là một nhà đầu tư thứ phát và họ “tay không bắt giặc”. “Những điểm bất lợi nói trên đã khiến cho Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ việc giao dịch qua sàn”, ông Hoàn nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Cường nhìn nhận, việc quy định giao dịch mua bán BĐS phải thông qua sàn đã vô hình tạo ra sự độc quyền cho các sàn BĐS. Vì khi đó, chủ đầu tư vừa có sàn để chào bán theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trong khi đó, người dân khi không có nhu cầu sử dụng nhà hoặc chuyển đi nơi khác nhưng nếu muốn bán thì buộc phải qua sàn, quy định này đã tạo ra rào cản cho thị trường BĐS.
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]