Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, gây thiếu máu não. Đột quỹ não có thể khiến một người đang khỏe mạnh bỗng dưng gục xuống, liệt nửa người, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.
Số liệu của Tổ chức Đột quỵ thế giới cho thấy, mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Trên 80% trường hợp đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, nên việc chẩn đoán, xử trí và quản lý bệnh nhân đột quỵ còn gặp nhiều khó khăn. Kiến thức về đột quỵ của người dân cũng còn hạn chế, không nhận biết được các triệu chứng để kịp thời đưa người bệnh đi cấp cứu. Hậu quả là tỷ lệ bệnh nhân bị di chứng lên tới con số 90%.
Các triệu chứng phổ biến là đột ngột thấy tê, yếu hoặc liệt một nửa người; méo miệng, nói đớ lưỡi, không nói được hoặc không hiểu lời người khác; đột nhiên bị mù mắt, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ hoặc hôn mê... Vì vậy, biết xử trí đúng cách, kịp thời khi có người bị đột quỵ não sẽ giúp bệnh nhân có tiên lượng tốt hơn.
Cách sơ cứu đúng cách khi gặp người bị đột quỵ
Đột quỵ là một tình trạng khẩn cấp, rất nguy hiểm cần phải xử lý nhanh chóng, tính mạng của nạn nhân có thể tình bằng giây bằng phút. Vì vậy cần khẩn trương gọi cấp cứu 115. Tiếp theo đó là phải sơ cứu nạn nhân, cần để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ, nới rộng quần áo, tạo khoảng không thoáng mát để bệnh nhân có thể tiếp nhận oxy không khí dễ dàng, cần theo dõi sắc mặt, nhịp thở; quan sát xem bệnh nhân tỉnh hay hôn mê; có thể trao đổi, trấn an bệnh nhân, nhắc bệnh nhân hít sâu và thở chậm không thở nhanh, gấp.
Nếu bệnh nhân bị co giật, nên để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng việc bệnh nhân có thể cắn vào lưỡi bằng cách dùng chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân, tuyệt đối không được cho vải vào miệng bệnh nhân, điều này có thể làm bệnh nhân khó thở. Nếu tình trạng bệnh nhân tệ đi, bệnh nhân hôn mê, ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Khi sơ cứu nạn nhân chú ý không cạo gió, không xoa bóp, không di chuyển bệnh nhân...
Nếu người bệnh nôn hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất nôn hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi. Tuyệt đối không vắt chanh hay cho bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân. Sau đó, gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện gần nhất (tốt nhất trong 3 - 6 giờ vàng, để muộn hơn sẽ ảnh hưởng cực lớn đến tính mạng người bệnh). Vận chuyển người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]