Ở người cao tuổi, các cơ quan bị lão hóa gây nên những thay đổi trong cơ thể
Những thay đổi sinh lý ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi, các cơ quan bị lão hóa gây nên những thay đổi trong cơ thể.
- Các thành phần trong cơ thể: tỷ lệ nước, khối cơ và protein trong huyết tương giảm, tỷ lệ mỡ tăng.
- Tiêu hóa: độ acid của dạ dày tăng, lưu lượng máu giảm, chậm tháo rỗng dạ dày, diện tích bề mặt hấp thu giảm.
- Gan: giảm khối lượng, lượng máu qua gan làm thay đổi hoạt tính chuyển hóa thuốc của gan.
- Thận: trọng lượng thận giảm, lưu lượng máu giảm, chức năng thận giảm.
Sự thay đổi này liên quan chủ yếu đến sự giảm dòng máu tuần hoàn đến các cơ quan dẫn đến sự nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể bị giảm dần và đó chính là khởi nguồn của bệnh tật do tuổi tác.
Những biến đổi bệnh lý ở người cao tuổi
- Tình trạng bệnh lý làm tăng phản ứng bất lợi của thuốc: người cao tuổi mắc nhiều bệnh cùng một lúc, do đó phải dùng nhiều thuốc đồng thời dẫn đến tăng nguy cơ gặp tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Tình trạng bệnh lý làm thay đổi đáp ứng của thuốc: Người cao tuổi nhạy cảm hơn với một số tác dụng bất lợi của thuốc (VD: dễ tụt huyết áp hơn, dễ trầm cảm hơn...). Đáp ứng của thuốc cũng thay đổi do những tổn thương mạn tính của những quá trình bệnh lý kéo dài nhiều năm.
- Tình trạng bệnh lý làm thay đổi số phận của thuốc trong cơ thể như: tổn thương tiêu hóa, suy thận, suy gan, suy tim, viêm tụy...
Những thay đổi của các quá trình ảnh hưởng đến số phận thuốc trong cơ thể:
Thay đổi của các quá trình ảnh hưởng đến số phận thuốc trong cơ thể
Hấp thu
- Đường uống: Chức năng sinh lý của ống tiêu hóa làm giảm lượng thuốc hấp thu vào máu. Thuốc lưu trữ lâu trong dạ dày kèm theo việc tiết acid giảm làm tăng khả năng phá hủy một số thuốc đặc biệt và có thể gây ra một số biến chứng đường tiêu hóa.
- Đường tiêm bắp hoặc tiêm qua da: Do sự tưới máu giảm nên hấp thu thuốc qua những đường này cũng giảm và không ổn định.
- Đường tĩnh mạch: Hầu như không ảnh hưởng.
Phân bố thuốc
- Do giảm lượng nước, tăng lượng mỡ nên làm tăng nồng độ trong máu của các thuốc tan trong nước, tích lũy dẫn đến kéo dài thời gian tác dụng với các thuốc tan trong dầu.
- Giảm protein huyết tương làm tăng nồng độ thuốc tự do trong máu dẫn đến tăng tác dụng và độc tính của thuốc.
- Những bệnh mắc kèm như suy tim, mất nước do ỉa chảy hoặc nôn nhiều, phù do suy thận hay cổ chướng, suy dinh dưỡng... cũng là nguyên nhân thay đổi phân bố thuốc trong cơ thể.
Chuyển hóa thuốc
Gan có vai trò chuyển hóa nhiều thuốc thành các chất không độc và có thể đào thải ra ngoài cơ thể. Ở người cao tuổi, chức năng gan giảm nên các thuốc chuyển hóa qua gan sẽ bị kéo dài thời gian tác dụng, dễ tích lũy và ngộ độc.
Thải trừ thuốc
- Thuốc sau khi vào cơ thể được thải trừ chủ yếu qua thận. Sự giảm sút dòng máu qua thận phối hợp với suy giảm chức năng thận ở người cao tuổi là nguyên nhân làm giảm độ thanh thải của nhiều thuốc. Do đó thuốc sẽ tăng tích lũy trong cơ thể hơn các đối tượng khác.
- Những thay đổi về sinh lý và bệnh lý ở người cao tuổi có thể gây ra nhiều vấn đề trong sử dụng thuốc. Chúng ta sẽ khó kiểm soát được nồng độ thuốc trong cơ thể do đó khó kiểm soát được tác dụng và độc tính của thuốc. Một số hệ quả thường gặp là: tai biến do ngừng thuốc, thất bại điều trị hoặc gặp nhiều tác dụng không mong muốn...
- Những thay đổi này không đồng nhất trên các cá thể người cao tuổi nên cần được thăm khám kĩ càng trước khi quyết định dùng thuốc. Đôi khi còn cần phải điều chỉnh liều dùng, khoảng cách dùng thuốc và đường dùng,... để phù hợp với từng cá thể. Trong quá trình dùng thuốc cũng cần phải theo dõi chặt chẽ hơn để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng không mong muốn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]