Với người cao tuổi, sự lão hóa theo thời gian của cơ thể khiến cho bệnh thoái hóa khớp thường xuyên xuất hiện và mức độ ngày càng nặng hơn.
Thoái hóa khớp có thể do nhiều nguyên nhân. Hiểu biết được những nguyên nhân này giúp chúng ta có thể phòng ngừa, hạn chế và giảm mức độ nặng của bệnh.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây nên thoái hóa khớp:
Tuổi
Tuổi là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Ở người trưởng thành các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo. Mặt khác, khi người ta già đi cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysacarit. Chất lượng sụn kém dần mà nhất là tính đàn hồi và chịu lực. Thoái hóa khớp có thể khởi phát từ rất sớm nhưng đa số bệnh nhân thoái hóa khớp thường biểu hiện triệu chứng khi gần 50 tuổi, kéo dài cho tới già.
Tình trang thoái hoá khớp ở người cao tuổi
Tổn thương vùng xương khớp
Là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa nhất là thể thoái hóa thứ phát. Thể hiện bằng sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp và đĩa đệm bao gồm:
- Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.
- Các biến dạng thứ phát do u, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan, hình thái của khớp và cột sống.
- Thoái hoá khớp thứ phát sau chấn thương cũ ở gối :
+ Gẫy các xương đùi, xương chày, xương bánh chè nội khớp
+ Đứt dây chằng cũ , đặc biệt là dây chằng chéo trước.
+ Thương tổn sụn chêm, đặc biệt nếu sụn chêm bị lấy bỏ. Đây là nguyên nhân thường gặp vì sụn chêm có vai trò như tấm đệm trung gian giữa xương đùi và xương chày.
- Những người mắc các bệnh về khớp mạn tính làm suy giảm chức năng của khớp theo thời gian sẽ dễ dẫn đến thoái hóa khớp:
+ Nhiễm khuẩn.
+ Thấp khớp (đặc biệt trong viêm đa khớp dạng thấp)
+ Hoại tử xương (hoại tử vô khuẩn một phần của xương), đặc biệt hay gặp ở lồi cầu đùi)
- Người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp, đồng thời đây cũng là yếu tố làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Yếu tố nghề nghiệp cũng rất quan trọng trong việc phát sinh bệnh. Những công việc khiến khớp chịu áp lực như người thường xuyên phải bốc vác nặng, vận động viên thể thao...cũng dễ bị thoái hóa khớp.
Giới tính
Ở phụ nữ thoái hóa khớp hay gặp hơn và nặng hơn ở nam giới. Chưa có lí giải rõ ràng cho điều này tuy nhiên sự suy giảm hormon nữ làm tăng nguy cơ loãng xương hơn.
Nội tiết – chuyển hóa
Những người có các yếu tố ảnh hưởng như tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết... sẽ có khả năng bị thoái hóa khớp cao hơn. Cả những người có những rối loạn về chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp. Ngoài ra, người ta còn nhắc đến nguyên nhân tự miễn cũng có vai trò nào đó trong thoái hoá khớp ở người cao tuổi.
Tiền sử gia đình
Gia đình có tiền sử bị thoái hóa khớp cũng làm cho bạn tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh mắc kèm
Một vài bệnh lý khác cũng có thể góp phần gây ra thoái hóa khớp. Bao gồm các rối loạn về đông máu ví dụ như bệnh lý hemophilia hoặc những bệnh lý ảnh hưởng đến lượng máu cung cấp cho khớp.
Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính, tiến triền lâu dài và khi đã xuất hiện triệu chứng thì khó có thể điều trị phục hồi, đồng thời có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, hiểu biết được những nguyên nhân gây bệnh để phòng tránh là thực sự cần thiết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]