Thông thường nếu sang tới tuần 34-36 mà thai vẫn chưa thuận, sản phụ sẽ sinh con trong trạng thái thai ngược. Trước tuần thứ 28 nếu thai nằm ngược thì vẫn còn khả năng thai sẽ thuận. Vì thế các bác sĩ không can thiệp gì. Trong vòng 2-3 tuần sau đó thai nhi sẽ tự động xoay chiều, và đây là quá trình tự động ở 30% phụ nữ sinh con so và khoảng 70% phụ nữ sinh con dạ. Nếu không có những biểu hiện thai sẽ thuận, các bác sĩ sẽ quyết định cho thai phụ sinh ở bệnh viện nào và việc đỡ đẻ sẽ tiến hành ra sao.
Những kiểu ngôi thai mẹ bầu nên biết
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet.
Thai ngôi đầu: Thông thường nhất, thai nằm theo hướng quay đầu xuống dưới, mông ở phía đáy tử cung.
Thai ngôi ngược: Thai nằm theo hướng ngược lại, mông ở dưới, đầu quay lên phía đáy tử cung (còn gọi là ngôi mông).
Thai ngôi ngang: Thai nằm đầu ở một bên và mông ở một bên của ổ bụng.
Nguyên nhân dẫn đến ngôi thai ngược
Hiện nay người ta chưa trả lời chính xác được nguyên nhân gì dẫn tới hiện tượng thai ngược. Tuy nhiên có một số yếu tố ảnh hưởng đến vị trí thai trong bụng mẹ như: dạ con có những khuyết tật, u xơ tử cung, tử cung kém phát triển, tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, vùng xương chậu của thai phụ hẹp hơn bình thường, dạ con co bóp quá yếu hoặc quá mạnh, hoặc thai phụ có quá nhiều hoặc quá ít nước ối, hoặc cuống nhau quá ngắn, rau tiền đạo, dây rau quấn cổ, đa thai, não úng thuỷ…
Do nước ối quá nhiều trong túi ối. Đây là tình trạng phổ biến ở các bà mẹ bị tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ. Do đó, thai nhi sẽ có nhiều không gian để chuyển động hơn bình thường nên có thể ở vị trí bất kỳ trong những tuần cuối. Trường hợp nước ối quá ít dẫn đến việc thai nhi bị mắc kẹt và không có đủ không gian để quay đầu.
Khi bị ngôi thai ngược mẹ bầu cần làm những gì
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Khi đẻ, đầu của thai là phần quan trọng nhất, nếu ra sau cùng khiến cho thai rất dễ bị ngạt nặng, chưa kể đến việc đầu là phần to hơn mông và chân nhưng ra sau nên dễ bị mắc lại trong khung xương chậu càng làm cho tình huống trở nên nguy hiểm. Vì thế, đỡ đẻ ngôi ngược là việc khó, đòi hỏi thầy thuốc phải có kinh nghiệm. Ngay cả các thầy thuốc lành nghề cũng không ai dám đảm bảo không để xảy ra tai biến đối với thai nhi. Vì vậy tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thầy thuốc thường khuyên các bà mẹ thai ngôi ngược chấp nhận việc mổ lấy thai khi bắt đầu chuyển dạ.
Các biện pháp sinh khi ngôi thai ngược
– Cho sinh tự nhiên, nếu thai nhỏ, con rạ, tầng sinh môn đã giãn nhiều.
– Sinh ngả âm đạo, có can thiệp từng phần: thai nhi được để sinh tự nhiên đến rốn. Sau đó, người đỡ sinh sẽ phụ giúp trong thì sinh vai, tay và đầu.
– Thủ thuật kéo thai: hiện nay không được áp dụng vì nguy hiểm.
– Mổ lấy thai: nhằm giảm tỷ lệ sang chấn cho thai nhi. Được áp dụng trong các trường hợp cho con đầu lòng nặng trên 3 kg. Con thứ ước lượng thai nặng hơn kỳ sinh trước. Mẹ lớn tuổi sinh con đầu lòng. Có sa dây rốn. Suy thai trong chuyển dạ hay chuyển dạ kéo dài.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]