Cơ chế và tính an toàn của thuốc tránh thai
Chu kỳ hành kinh có 28 ngày. Trong giai đoạn đầu (từ ngày 1 - 14), estrogen tăng dần đạt đến đỉnh cao nhất trước khi rụng trứng một ngày (ngày thứ 14), đặc biệt từ ngày 10 - 14, LH (Lueining hormon), FSH (Foliculin stimuling hormon), đạt điểm đỉnh, giúp cho trứng chín và rụng. Trong lúc này, progesteron vẫn thấp. Trong giai đoạn sau (từ ngày 15 - 28), còn gọi là giai đoạn hoàng thể, cổ tử cung tiết ra một chất nhầy (lượng tăng dần, thể chất lỏng dần) tạo điều kiện cho tinh trùng tiếp xúc với trứng để thụ tinh, đồng thời progesteron tăng dần làm cho niêm mạc tử cung dày lên tạo điều kiện cho trứng đã thụ tinh là làm tổ được (đậu thai). Trong khi đó, estrogen giảm dần xuống mức thấp nhất.
Tại Pháp, thuốc tránh thai trị mụn Diane 35 đã bị cấm
Thuốc tránh thai có estrogen và progesteron. Chúng được cấu tạo theo một tỉ lệ không giống hẳn như tỉ lệ hình thành trong các giai đoạn sinh lý bình thường. Do đó mà làm cho quá trình thụ thai không diễn ra như sinh lý bình thường: trứng không rụng, không thụ tinh hoặc đã thụ tinh nhưng không làm tổ được đúng vào giai đoạn thích hợp nên không có thai. Cơ chế như sau:
Ngăn cản sự phát triển rụng trứng: thuốc tránh thai tạo ra nồng độ estrtogen cao, ức chế tiết hoóc-môn kích thích nang trứng (FSH) dẫn đến ngăn chặn sự phát triển và rụng trứng; tạo ra nồng độ progesteron cao ức chế việc tăng hoóc-môn tạo hoàng thể (LH) trước giai đoạn rụng trứng. Dùng lâu dài thuốc tránh thai sẽ dẫn đến ức chế tiết FSH và LH, nghĩa là không cho xảy ra hiện tượng rụng trứng.
Ngăn cản sự làm tổ: bình thường tử cung phải dày lên ở giai đoạn thích hợp thì trứng đã thụ tinh mới làm tổ được. Thuốc tránh thai làm cho niêm mạc tử cung dày lên ở giai đoạn không thích hợp, nên trứng thụ tinh không làm tổ được, không đậu thai. Thuốc tránh thai làm thay đổi sự nhu động của vòi trứng nên trứng đã thụ tinh không chuyển đến tử cung trong giai đoạn thích hợp (quá sớm hay quá muộn so với giai đoạn hoàng thể) nên không thể làm tổ được, không đậu thai.
Ngăn cản thụ tinh: thuốc tránh thai làm cho cổ tử cung không mở, niêm dịch cổ tử cung ít đi, độ nhớt giảm, nên không tạo điều kiện cho tinh trùng xâm nhập vào cổ tử cung để thụ tinh.
Thuốc tránh thai làm cho quá trình thụ thai sinh lý không diễn ra như các giai đoạn bình thường, không mạnh đến mức làm đảo lộn hay làm mất quá trình sinh lý thụ thai; sau khi ngừng thuốc tránh thai, quá trình thụ thai sinh lý lại diễn ra bình thường, có thể thụ thai lại nếu muốn. Do đó, thuốc tránh thai rất an toàn, từ khi phát minh đến nay đã có hàng trăm triệu phụ nữ dùng.
Những tác dụng phụ và các chống chỉ định
Estrogen (dùng dưới dạng Ethynilestradiol) và progesteron (dùng dưới dạng porgestatif) trong thành phần thuốc tránh thai có một số tác dụng phụ.
Ethynilnestradiol là dẫn chất của estradiol, một dạng estrogen có hoạt tính mạnh có thể gây các rối loạn nội tiết như: ứ nước kèm theo phù, tăng thận trọng, to căng đau vú, xuất huyết âm đạo bất thường, đau đầu, đau nửa đầu, hoa mắt, tăng canxi máu, thay đổi chức năng tình dục, chức năng gan, vàng da, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn) giảm dung nạp đường; đôi khi gây các phản ứng ngoài da (phát ban mày đay, ban đỏ nút, ban đỏ đa dạng, đồi mồi da); khi dùng vượt quá liều sinh lý, kéo dài (như trong liệu pháp hoóc-môn thay thế), có thể gây ung thư phụ khoa, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú (lệ thuộc estrogen). Vì kháng với thrombin nên estrogen làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối dẫn đến nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch phổi, viêm tĩnh mạch huyết khối.
Progestatip có tính năng progesteron nên có tác dụng kháng androgen, hướng sinh dục. Do có tính năng hoóc-môn mà progestatif có thể gây ra các rối loạn nội tiết.
Cụ thể: có thể gây giảm chức năng tuyến thượng thận nên tuyến này không tiết đủ ACTH, dẫn đến làm giảm tiết cortisol, hậu quả là làm chậm chuyển hóa (dung nạp) đường, đặc biệt với người bệnh đái tháo đường; gây trạng thái trầm cảm (có lẽ do tính kháng, đưa đến giảm androgen) hay ngược lại cũng có thể gây trạng thái kích thích (có lẽ do kích thích tố thượng thận tương tự metyparon). Đặc biệt khi dùng liều cao, có thể gây nhiễm độc gan, thay đổi enzyme gan, u gan xuất huyết ổ bụng nghiêm trọng; khi dùng lâu dài, có thể gây loãng xương (do kháng gonadotropin, làm giảm estrogen).
Khi phối hợp thành thuốc tránh thai, nếu dùng không đúng chỉ định, không đúng liều thì các tác dụng phụ của các thành phần này sẽ xuất hiện, gây ra tai biến. Do đó, mặc dù là thuốc an toàn, có hàng trăm triệu phụ nữ đã dùng song thuốc tránh thai vẫn có những chống chỉ định. Cụ thể:
- Thuốc tránh thai không gây ra ung thư nhưng vì trong thành phần có estrogen nên làm cho ung thư có sẵn, đặc biệt là các ung thư lệ thuộc vào estrogen như: ung thư vú cổ tử cung, phát triển nhanh. Không được dùng khi có ung thư hay nghi ngờ có các ung thư này thì không được dùng.
- Vì estrogen trong thuốc tránh thai kháng với thrombin nên làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, dẫn đến nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch phổi, viêm tĩnh mạch huyết khối; những người có nguy cơ, có tiền sử hoặc đang tiến triển các bệnh này thì không dùng. Còn người bình thường dùng thuốc tránh thai với liều bình thường không làm tăng các bệnh này.
- Vì bản thân thuốc tránh thai chứa estrogen và progestatif có thể làm rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, làm các bệnh này sẽ nặng thêm nên người có rối loạn nội tiết nói chung; bệnh Basedow; bệnh đái tháo đường; u tuyến thượng thận; xuất huyết đường sinh dục không rõ nguyên nhân; cholesterol cao thì không được dùng.
- Trong thuốc tránh thai, progestatif kích thích làm ăn ngon, estrogen giữ nước nên có thể làm tăng cân ở người bình thường đều đặn 1 - 2kg/tháng; cần theo dõi chế độ ăn, hỏi lại thầy thuốc; nếu cần có thể dùng một phương pháp tránh thai khác; nếu trường hợp lên 4 - 5kg trong thời gian ngắn thì phải xét nghiệm máu xem có bị bệnh đái tháo đường không; nếu có bệnh này phải ngừng thuốc ngay. Người có thể trạng béo (quá cân nặng chuẩn) hay bị béo phì thì không được dùng.
- Nữ trên 35 - 40 tuổi thường bắt đầu có những rối loạn về hoóc-môn, rối loạn chuyển hóa, thường dễ bị các bệnh tim mạch, nếu có nghiện thuốc lá thì điều này càng dễ xảy ra. Vì vậy, nữ trên 35 - 40 tuổi không nên dùng thuốc tránh thai.
- Chỉ có thai sau khi đã phải ngừng thuốc tránh thai ít nhất là 3 tháng(để tránh các tác dụng bất lợi của thuốc này với thai nhi).
- Khi đang dùng thuốc tránh thai có thể bị ra máu nhiều lúc hành kinh, nên nhờ thầy thuốc chọn cho dùng loại có hàm lượng progestin cao; hoặc ra máu giữa hai kỳ hành kinh, nên nhờ thầy thuốc chọn cho dùng loại có hàm lượng estrogen cao sẽ tránh được trở ngại này.
- Theo những nghiên cứu mới nhất thì dùng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần, kéo dài sẽ gây nên rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, làm cho chu kỳ có thai tự nhiên bị đình trệ, có thể đưa đến hậu quả lâu dài trong việc sinh sản. Theo đó, chỉ được dùng thuốc tránh thai khẩn cấp một tháng không quá 4 lần.
LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC Tất cả các thuốc chứa hoóc-môn thuộc diện thuốc phải kê đơn. Vì có tính an toàn và vì để tiện dùng trong kế hoạch hóa gia đình nên riêng thuốc tránh thai vẫn được cấp phát hay bán không cần đơn. Tuy nhiên, thuốc tránh thai có các chống chỉ định, trước khi dùng cần khám để loại trừ, nhằm tránh tai biến do dùng nhầm cho các trường hợp này. Vì người dùng không biết các chống chỉ định nên không quan tâm đến việc thực hiện hướng dẫn này. Một sai sót thường xảy ra nữa là nhiều người trẻ đã dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá tùy tiện mà không biết tác hại của chúng. Đây là những thiếu sót cần được khắc phục. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]