Quả dứa hay còn gọi là trái thơm, khóm… có nhiều loại khác nhau. Quả dứa thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn trái thật là các “mắt thơm”. Trong 100g quả dứa, phần ăn được cho IJ5kcal, 0,03mg caroten, 0,08mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 16mg vitamin C (thơm tây). Các chất khoáng là 16mg Ca, 11mg phospho, 0,3mg Fe, 0,07mg Cu, 0,4g protein, 0,2g lipid, 13,7g hydrat cacbon, 85,3g nước, 0,4g xơ.
Trong quả dứa có chứa enzyme bromelin hay bromelain, có thể phân hủy protein. Do vậy, quả dứa được sử dụng trong chế biến một số món ăn như: thịt bò xào, thịt vịt xào để giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Trong dân gian thường ướp các loại thịt dai, già với dứa hoặc xào cùng thịt, thịt sẽ được nhừ, ăn dễ tiêu.
Bạn nên ăn dứa, bởi:
Chống ung thư
Dứa rất đầy đủ các chất chống oxy hóa, giúp bạn chiến đấu chống lại các gốc tự do.
Các gốc tự do là nhóm các nguyên tử gây tổn thương khi tiếp xúc với màng tế bào/ADN của bạn. Chất chống oxy hóa ngăn chặn các gốc tự do làm tổn thương cơ thể của bạn, bằng cách giữ cho các tế bào khỏe mạnh.
Giảm cân
Dứa là một loại hoa quả giàu chất dinh dưỡng, những người thiếu máu hoặc đang trong quá trình hồi phục sức khỏe nên thường xuyên ăn dứa.
Vì dứa còn có tác dụng lợi tiểu, chống lão hóa và tốt cho dạ dày. Những người muốn giảm béo cũng nên dùng dứa thường xuyên vì cùng với bưởi, dứa là thực phẩm có tác dụng giảm mỡ trong cơ thể.
Bảo vệ mắt
Không phải chỉ có những trái màu đỏ mới có tác dụng trong việc bảo vệ mắt.
Ăn dứa còn giúp tăng cường bảo vệ sức khỏe răng lợi và thị lực ở mắt, nhất là đối với người bị tổn thương võng mạc, làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng đến 35 %. Thêm nữa, loại trái cây này còn chứa Beta Carotene giúp bạn có thể nhìn rõ hơn.
Cải thiện vùng da bị khô/ chai sạn
Thành phần tự nhiên trong dứa và các loại thảo mộc sẽ làm mềm các vết chai. Dứa có tác dụng tẩy tế bào chết do trong thành phần chứa axit alpha – hydroxyl. Mặt nạ với nguyên liệu từ dứa tươi pha trộn bạc hà, kèm các loại thảo mộc khác mang đến cảm giác mát, nhẹ nhàng, thư giãn cho làn da, đặc biệt khu vực bàn chân – bộ phận chịu nhiều sức ép của toàn bộ cơ thể.
Bạn thoa hỗn hợp trên lên chân và để hỗn hợp trên trong khoảng 10 phút, sau đó thoa nhẹ massage khắp vùng gót chân. Thành phần tự nhiên trong dứa và các loại thảo mộc sẽ làm mềm các vết chai.
Mặt nạ chăm sóc da
Hàng ngày, do tiếp xúc với ánh nắng, bụi bẩn thường xuyên sẽ khiến cho da mặt bị sần sùi và dễ nám. Đắp mặt nạ từ nước cốt trái dứa sẽ làm cho làn da của bạn tươi sáng hơn mỗi ngày vì trong dứa có chứa một hàm lượng lớn các chất vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, chất acid bromatic có trong dứa sẽ lột nhẹ lớp tế bào sừng phía ngoài làm cho da mịn màng và trắng hơn. Ngoài tác dụng làm mịn và sáng da, cách đắp mặt nạ dứa này còn là phương pháp trị nám tự nhiên rất tốt.
Vì vậy, mỗi tuần bạn nên đắp mặt nạ một lần để cải thiện làn da nám.
Không nên ăn dứa khi:
Phụ nữ mang thai
Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng liều lượng lớn các enzyme bromelain trong cơ thể phụ nữ mang thai, kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai.
Những người có tiền sử cơ địa dị ứng
Bromelain cũng gây dị ứng cho một số người sau khi ăn dứa. Nó kích thích cơ thể sinh ra các histamine, gây nên triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí gây khó thở. Bởi vậy, những bệnh nhân có tiền sử cơ địạ dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa… khi ăn dứa có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Người mắc bệnh hen phế quản, viêm mũi họng, có bệnh chảy máu
Dứa chứa loại glucoside có tính chất kích ứng niêm mạc mạnh nên khi ăn nhiều dứa thường thấy rát miệng lưỡi, cổ họng tê rát, ngứa ngáy. Vì vậy, những người có tiền sử viêm mũi họng, viêm thanh quản, hen phế quản không nên ăn nhiều để tránh nguy cơ bệnh tái phát và nặng hơn…
Ngoài ra, những người mắc chứng chảy máu hoặc nguy cơ chảy máu như (chảy máu cam, sốt xuất huyết, có vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) cũng không nên ăn dứa.
Người bị dạ dày
Mặc dù dứa là loại trái cây rất tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe, tuy nhiên nếu không sử dụng một cách khoa học, hợp lý và đúng lượng cần thiết hàng ngày, dứa cũng sẽ là loại thực phẩm gây nguy hiểm đối với dạ dày của bạn.
Quả dứa có nhiều axít hữu cơ và có một số enzyme có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày.
Nếu ăn dứa tươi vào lúc đói thì các axit hữu cơ của dứa và bromelin tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, dể gây nôn nao, khó chịu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]