Chế độ ăn cho người cao tuổi bị tiêu chảy
Người bị tiêu chảy vẫn cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể vì những đối tượng này thường có nguy cơ bị suy nhược cao.
Tuy nhiên, thức ăn cho người bị tiêu chảy nên có ít dầu mỡ và đường, đồng thời cần được nấu mềm và lỏng hơn bình thường để có thể tiêu hóa dễ dàng. Nếu bệnh nhân không ăn được nhiều thì có thể chia thành nhiều bữa nhỏ.
Sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy hợp lý cho người cao tuổi
- Orezol: Khi bị tiêu chảy, cho dù nguyên nhân là gì và do loại vi khuẩn nào gây nên thì việc quan trọng nhất và đầu tiên cần làm là bù nước và các chất điện giải. Ngay tại nhà, cần bù ngay bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi người bệnh đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
- Các thuốc làm giảm hay liệt nhu động ruột
+ Những thuốc này không được dùng trong những trường hợp tiêu chảy do bị nhiễm trùng hay ngộ độc vì sẽ làm tăng thời gian lưu phân, làm tích trữ các chất độc sẽ càng làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.
+ Đây chỉ là thuốc dùng để chữa triệu chứng chứ không làm mất căn nguyên của bệnh. Đặc biệt với người cao tuổi có thể gây nên nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, nếu như dùng những thuốc này trong vòng 1 ngày mà chưa giảm triệu chứng thì cần đi khám để được xác định lại nguyên nhân.
Thuốc kháng tiết ở ruột non:
+ Những thuốc này có tác dụng làm giảm nước trong phân, nhưng ưu điểm hơn nhóm làm giảm nhu động ruột là không làm tăng thời gian lưu giữ phân trong ruột nên ít gây những triệu chứng bất lợi cho bệnh nhân hơn.
+ Khi sử dụng những thuốc này thì lưu ý là không dùng kèm với các kháng sinh đường uống, đặc biệt là các kháng sinh phổ rộng.
Các chất hấp phụ:
+ Không dùng chung những thuốc này với nhóm làm giảm nhu động ruột vì sẽ không đào thải được các chất này , vốn chỉ dùng để hấp thu nước trong lòng ruột mà không bị hấp thu, ra ngoài.
+ Một số loại chất hấp phụ như than hoạt có dạng phối hợp với kháng sinh (như biệt dược Carbotrim kết hợp than hoạt với 2 kháng sinh là Sulfamethoxazol và trimethoprim dùng trị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn) với tác dụng điều trị tiêu chảy bằng cách tác dụng tại đường tiêu hóa chứ không hấp thu vào máu.
+ Khi dùng các chất hấp phụ kèm với thuốc khác thì cần sử dụng cách nhau ít nhất 2 tiếng vì có thể làm giảm tác dụng các thuốc dùng kèm.
Khi nào người cao tuổi bị tiêu chảy nên đến bệnh viện?
Thông thường tình trạng tiêu chảy có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị kịp thời nếu có các biểu hiện sau:
- Điều trị 2 ngày ở nhà mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đi tiêu phân lỏng lượng nhiều, liên tục.
- Có biểu hiện mất nước vừa hoặc nặng: da khô nhăn nheo, môi miệng khô, người mệt mỏi, mắt lõm nhắm hờ, đi tiểu ít...
- Bệnh nhân không ăn uống được, nôn ói nhiều lần.
- Đi ngoài có phân lẫn máu, khi sờ nắn bụng thấy cứng, đau...
- Bệnh nhân đang bị bệnh mạn tính hoặc đang bị nhiều bệnh cùng 1 lúc, người có cơ địa suy nhược.
- Thay đổi tri giác, người lờ đờ mệt mỏi, kèm theo sốt...
Người cao tuổi có thể dự phòng tiêu chảy bằng cách nào?
- Cần điều trị hiệu quả và kiểm soát các chứng bệnh rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích... vì những bệnh này có nguy cơ gây nên tiêu chảy cao.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh...
- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, ...; chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn...
- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào; ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B...
- Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp: phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]