Chất béo (triglyceride) được tìm thấy trong máu, là một thành phần quan trọng hình thành nên các màng tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, việc ăn uống quá nhiều hay quá ít đều gây bệnh, đặc biệt khi chỉ số triglyceride trong máu quá cao làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Vậy có cách nào giúp hạ thấp chỉ số này trong máu?
Chức năng của triglyceride
Bảo vệ các nội tạng của cơ thể: Triglyceride xây dựng các mô mỡ, còn gọi là chất béo dưới da. Mô mỡ này hoạt động như nơi lưu trữ chính chất béo cơ thể và có vai trò bảo vệ các nội tạng cơ thể. Mô mỡ bao phủ lên các cơ quan bao gồm tim, thận, gan và các cơ quan khác và hoạt động như một tấm đệm bảo vệ các cơ quan quan trọng của cơ thể khỏi chấn thương và an toàn trong lúc chuyển động cơ thể.
Cung cấp một lớp cách nhiệt: Ngoài vai trò bảo vệ, chất béo dưới da cũng đóng vai trò như chất cách nhiệt của cơ thể. Chất béo dưới da giúp giảm thiểu lãng phí nhiệt qua da của chúng ta, cùng với việc giúp cơ thể duy trì nhiệt độ tối ưu cho các cơ quan nội tạng thực hiện tốt các chức năng.
Là một nguồn năng lượng của cơ thể: Trong khi nguồn chính năng lượng của cơ thể là carbohydrate, nhưng khi cơ thể cần nhiều năng lượng hơn, có thể lấy năng lượng từ nguồn triglyceride và triglyceride thực sự là nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể con người. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn đang ăn kiêng hoặc tập luyện trong một thời gian dài, triglyceride sẽ được phá vỡ và các acid béo sẽ cung cấp cho bạn năng lượng cần thiết.
Giúp hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết: Một trong những chức năng quan trọng nhất của triglyceride là giúp hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết, chẳng hạn như chất béo giúp hòa tan các vitamin A, D, E, và K, cơ thể con người là gần như không có khả năng hấp thụ các vitamin và khoáng chất này mà không có sự giúp đỡ của các chất béo. Khi nồng độ triglyceride quá thấp, cơ thể của chúng ta sẽ không thể nhận được đủ các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng, gây ra thiếu hụt vitamin và suy dinh dưỡng.
Tăng triglycerid máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, dễ dẫn đến tắc nghẽn động mạch.
Nguy cơ của tăng triglyceride máu
Đơn vị mg/dL hoặc mmol/L là những đơn vị được sử dụng trong y học để đo nồng độ triglycerid trong máu của một người. Nồng độ triglyceride bình thường khi thấp hơn 150 mg/dL; 150-199 mg/dL là cao nhẹ; 200-499 mg/dL được gọi là cao; và ở mức cao hơn 500 mg/dL được gọi là rất cao.
Tăng triglyceride máu và các rối loạn do tăng triglyceride máu gây ra khá nguy hiểm. Tăng triglyceride máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và cũng có thể dẫn đến góp phần vào việc tắc nghẽn các động mạch khác của cơ thể, cuối cùng sẽ dẫn đến một cơn đột quỵ hoặc cơn đau tim.
Người bị bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc suy giáp có nguy cơ cao khi kèm tăng triglycerid máu.
Nồng độ triglyceride máu vượt quá 500 mg/dL có thể dẫn đến sự phát triển của tình trạng viêm tuyến tụy làm đe dọa tính mạng, còn được gọi là bệnh viêm tụy cấp.
Làm thế nào để hạ thấp nồng độ triglyceride máu?
Giảm trọng lượng cơ thể: Giảm cân cần đặt ra, nếu cân nặng của bạn rơi vào thừa cân hoặc béo phì. Mất 5-10% trọng lượng hiện tại có thể làm giảm nồng độ triglycerid 20%. Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 hoặc ít hơn, nhưng trên 18,5 (dành cho người châu Á). Nếu chỉ số BMI của bạn trên 23, bạn đang bị thừa cân và trên 25, bạn đang bị béo phì, cần giảm ngay cân nặng của bạn. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: đàn ông < 90cm, phụ nữ < 80cm theo chuẩn người châu Á.
Giảm tiêu thụ đường: Nghiên cứu đã chứng minh những người có mức tiêu thụ đường hàng ngày không vượt quá 10% lượng calo hàng ngày của họ, có mức thấp nhất của nồng độ triglyceride máu. Tốt nhất là bạn có thể giữ con số đó thấp hơn 5%. Điều này có nghĩa là bạn không thể tiêu thụ hơn 150 gram đường mỗi ngày nếu bạn là một người đàn ông và 100 gram đường nếu bạn là một người phụ nữ.
Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ: Các loại thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt giúp làm giảm nồng độ triglyceride máu. Bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm này.
Tiêu thụ nhiều hơn các axit béo omega-3: Axit béo omega-3 có thể được tìm thấy trong các loại cá béo như cá trích, cá hồi, cá mòi. Khuyến cáo ăn cá hai lần một tuần, nhưng nếu bạn có triglyceride cao, bạn cũng nên uống bổ sung omega-3 để cung cấp cho cơ thể nhiều chất béo cần thiết này theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Uống thuốc làm giảm triglyceride: Trong trường hợp bạn có một nồng độ cao hoặc rất cao triglyceride, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên bắt đầu uống một số loại thuốc như niacin, statin hoặc fibrate để đưa nồng độ triglyceride về giới hạn bình thường. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cố gắng giảm triglyceride chỉ bằng cách sử dụng các loại thuốc sẽ không làm giảm nguy cơ phát triển một cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, có nghĩa là bạn cũng nên kết hợp điều chỉnh lối sống lành mạnh trong ăn uống, sinh hoạt và hoạt động thể chất theo khuyến cáo.
Giảm các chất béo không lành mạnh: Càng dùng nhiều các chất béo trans (chất béo chuyển hóa) và chất béo bão hòa càng làm tăng nồng độ triglyceride trong máu. Có thể làm giảm các chất béo bằng cách hạn chế số lượng chất béo không lành mạnh mà bạn tiêu thụ. Chất béo bão hòa có trong thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, bơ và da gà. Bạn cũng nên chú ý đến việc hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa, do chúng có hại cho cơ thể. Bạn có thể làm điều đó bằng cách đọc những thông tin dinh dưỡng trên nhãn của sản phẩm trước khi mua.
Tóm lại, kiêng khem quá mức dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, trong đó có thiếu hụt triglyceride và gây ra thiếu các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Nhưng cũng cần áp dụng ngay các biện pháp thay đổi lối sống nhằm hạn chế các nguy cơ do tăng triglyceride máu gây ra, nhất là tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]