Vợ Đức cái gì cũng tốt, chỉ một tội là ghen tuông thái quá. Chồng đi nhậu nhẹt với bạn bè mà điện thoại réo ầm ĩ. Nhiều lúc Đức phải đưa điện thoại cho bạn nói chuyện để “hạ” cơn ghen của vợ. Giận vợ nhiều lần rồi, nhưng Đức không dám nói vì muốn yên ấm gia đình.
Hôm ấy, cơn tức giận vì tiếng eo éo của vợ vẫn còn, lại được rượu và bạn đá đưa vài lời, Đức càng “máu”, quyết phải về nhà ngay để trừng trị vợ.
Chưa về đến cổng, Đức đã nghe tiếng vợ oang oang mắng con. Thấy mấy người hàng xóm thập thò ngoài cửa hóng chuyện, xấu hổ, Đức xông thẳng vào nhà tát vợ một cái rồi buông lời mắng nhiếc. Vợ thì cứ ngẩn người ra, rồi nóng mặt vì lãnh trọn cú đánh vô cớ của Đức. Vợ ngửi thấy mùi men, biết Đức đang say và đoán chắc bị mấy ông bạn nhậu khích nên mới thế, chứ bình thường Đức có bao giờ to tiếng hay quát tháo vợ con.
Tưởng chuyện êm xuôi, ai ngờ bữa nhậu sau, bạn bè cứ nhao nhao hỏi Đức đã trừng trị vợ chưa, đã cho thôi cái tính reo réo khi chồng bận việc “đại sự” chưa? Lại được một ông bạn thêm vào: “Vợ tôi mà như vợ ông, tôi bỏ lâu rồi. Đàn bà là phải ở nhà, chăm lo việc cơm nước, xen vào chuyện cánh đàn ông chúng mình là không thể bỏ qua được”. Một ông khác thì gay gắt hơn: “Ông nhìn vợ tôi xem, có bao giờ dám gọi điện khi tôi đi với mấy ông không, ông mà không trị từ bây giờ, mai này bị cưỡi đầu cưỡi cổ, còn đâu là uy danh đàn ông nữa”.
Nghe bạn bè nói thế, Đức thấy quá đúng. Nhìn vợ người ta vừa biết chăm lo gia đình, vừa biết làm đẹp, lúc nào cũng gọn gàng, hấp dẫn. Còn vợ mình thì… Nghĩ đến đây, Đức đã nản. Từ ngày về làm dâu, vợ không còn chăm chút gì nhan sắc, mới 30 tuổi đầu mà đã có mấy vết chân chim khóe mắt, bộ quần áo ngủ mặc hai năm vẫn không chịu đổi mới, chưa kể cái tính cẩu thả, hay nóng giận, quát chồng con.
Chẳng biết vì rượu hay vì mấy lời ông bạn nhậu mà Đức về nhà là gây sự với vợ ngay. Đang điên tiết vì càng ngày chồng càng dở chứng thích khiêu chiến, vợ Đức lại vô tình đọc được tin nhắn của anh trêu chọc cô kế toán cùng công ty. Thực tế mối quan hệ của họ chỉ là đồng nghiệp, nhưng vợ làm toáng lên, lại còn gọi điện “hăm dọa” cô kế toán, khiến cô này sợ quá phải nói với sếp, làm anh một phen bẽ mặt.
Sau lần ấy, mỗi lần gặp bạn là ôi thôi, bao nhiêu thói xấu của vợ được bạn nhậu phân tích, mổ xẻ đến từng chân tơ kẽ tóc. Vậy thì “còn đâu ra điểm tốt để yêu”, “lấy vợ như thế thà không có còn hơn”, rồi thì “có vợ như vậy khác gì cả đời đi ở tù”.
Tiếp một lần khác, đang ngồi “chén tạc chén thù” với anh em thì chuông điện thoại lại reo. Cả nhóm nhao nhao lên “lại vợ à?”, “của nợ gọi phải không?”, “kém thế, không trị được tới nơi tới chốn rồi”. Đức nhấc máy, giọng hằm hè: “Sao, cô thích gì? Thích kiểm soát thằng này à? Thằng này chán loại đàn bà như cô rồi, im mồm cho thằng này hàn huyên bạn bè, không thì nghỉ, ông giải tán hết”.
Chưa kịp nói lời nào đã nhận được những lời xối xả của chồng, vợ Đức ấm ức khóc không thành tiếng. Cô cũng chán ngấy cái sự không kiên định của chồng, hễ cứ bạn nói gì là về gắt gỏng, chê bai vợ, rồi bỏ bê việc nhà, tối ngày đi nhậu...
Cô viết đơn ly hôn. Đức kí ngay, chẳng chút lăn tăn, do dự gì, lòng lại thấy hả hê vì đã “thỏa lòng trai”, “đáng đàn ông” như bạn bè anh.
“Vậy là thoát kiếp cầm tù”, Đức nghĩ thầm, tưởng sẽ thỏa thuê với những tháng ngày tự do sắp tới. Nhưng vừa chia tay được một tuần, rồi một tháng, anh mới thấm thía nỗi vắng vợ. Việc nhà không ai lo, con chẳng có người đón, nhà cửa cứ rối tung lên, ngập ngụa từ cửa đến bếp...
Theo Depplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]