Đầu mùa là thời điểm mà nhiều người dùng thường kiểm tra điều hòa để nạp gas, vệ sinh hoặc sửa chữa sử dụng cho những ngày nắng nóng. Do nắm bắt được điểm yếu của nhiều người về việc không có chuyên môn, kiến thức nên trong quá trình lắp đặt, sửa chữa hay bảo dưỡng điều hòa, ngoài tiền công, thợ điều hòa còn có những chiêu trò riêng để “móc túi” khách hàng. Số tiền khách hàng bị “móc” không hề nhỏ, có khi lên đến vài triệu đồng.
Chị Mai Thị Thêm (Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội) mới đây đã có dòng trạng thái “than thở” trên Faceboook về việc sửa điều hòa hết gần 2 triệu đồng. Trong khi, điều hòa của chị Thêm mới mua được chừng 2 năm.
“Điều hòa nhà tôi bị trào nước ra lênh láng khắp phòng, tôi gọi thở sửa và ban đầu được báo giá là khoảng từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Thế nhưng, trong quá trình sửa chữa, thợ sửa điều hòa liên tục thông báo cho tôi về các phụ kiện phát sinh như dây băng keo non, phải vệ sinh cục nóng do bám bụi, phải thay gas… Vì không có kiến thức nhiều về điều hòa nên tôi đồng ý cho thợ sửa thực hiện việc vệ sinh và thay thế các thiết bị. Tuy nhiên, đến khi thanh toán, tôi phát hoảng với hóa đơn gần 2 triệu đồng. Tôi cứ nghĩ, đã trọn gói trong khoảng dưới 500.000 đồng thì chi phí phát sinh thêm cũng chỉ 200.000 – 300.000 đồng. Ai ngờ lên đến con số gần gấp 3 lần 500.000 đồng. Nhưng mình đồng ý cho ngươi ta sửa rồi thì chỉ biết bấm bụng trả tiền thôi”, chị Thêm viết trên trang cá nhân Faceboook.
Sau dòng trạng thái của chị Thêm chia sẻ thì rất nhều người dùng Facebook là bạn bè của chị Thêm cũng cho biết, họ cũng đã từng phải trả số tiền hơn một triệu đồng cho thợ sở điều hòa mà không biết thợ sửa họ sửa những gì. Chỉ bởi, mọi người không có nhiều kiến thức, am hiểu về điều hòa.
Theo anh Nguyễn Hưng Long, kĩ thuật viên điện tử tại điện máy Tuấn Trần cho biết, nếu người dùng không “tỉnh táo” thì việc bị thợ sửa điều hòa “vặt tiền” trong quá trình sửa chữa là điều tất nhiên. Thậm chí, khi mua điều hòa mới, cho dù các đơn vị kinh doanh đã miễn phí công lắp đặt. Thế nhưng, thợ sửa điều hòa vẫn “kiếm thêm thu nhập” bằng việc cố tình lắp đặt hệ thống ống đồng dài, phát sinh thêm chi phí ống đồng. Sau đó, kéo theo những phụ kiện khác. Hay đơn giản là báo giá đắt đỏ hơn một vài linh kiện so với giá thị trường như: áp tô mát, dây băng keo non...
Theo anh Long, mức độ "vặt" tiền ít hay nhiều của thợ sửa điều hòa sẽ tùy thuộc vào mỗi thợ và vào chính khách hàng. Trong quá trình lắp đặt, sửa chữa người thợ sẽ dựa vào sự hiểu biết của khách hàng về điều hòa mà có thể “vặt” ít hay nhiều. Nếu là nam giới, số tiền sẽ hạn chế hơn, còn là nữ giới, nhất là sinh viên, số tiền có thể lên đến vài triệu đồng.
“Chẳng hạn, trong quá trình lắp đặt nếu khoảng cách chỉ 3 mét ống đồng nhưng thợ sửa điều hòa có thể khai báo và dùng đến 5 mét. Như vậy, họ đã ăn gian được 2 mét ống đồng mà chủ nhà sẽ rất khó phát hiện. Mỗi mét phát sinh thì người thợ điều hòa cũng ăn gian được thêm chừng 250.000 đồng. Hay chẳng hạn, phụ kiện điều hòa có thể chưa hỏng nhưng họ vẫn báo hỏng để thay linh kiện và thậm chí báo giá linh kiện cao hơn so với thị trường. Chưa kế, cách đơn giản nhất là khi gas điều hòa chưa hết nhưng thợ sửa vẫn báo hết gas để tiến hành nạp thêm gas hoặc cố tình cho rằng, điều hòa bám bụi và cần phải vệ sinh. Như vậy, chi phí nạp gas và vệ sinh điều hòa cũng ước chừng 500.000 đồng.
Theo anh Hưng, để hạn chế tối đa nhất việc bị móc túi khi lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa điều hòa, người dùng cần thiết phải trang bị cho mình kiến thức về điều hòa hoặc nhờ người am hiểu theo dõi giúp trong quá trình thợ sửa chữa, lắp đặt.