Công nhân mua sắm quần áo tại hội chợ mua sắm dành cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) tối 22-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dạo quanh các đường phố chuyên kinh doanh thời trang ở TP.HCM như Nguyễn Trãi (Q.5), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Quang Trung (Q.Gò Vấp)... nơi đâu cũng dễ bắt gặp cảnh khuyến mãi giảm giá quần áo.
Sắm trễ tìm giá tốt
Không chỉ các trung tâm thương mại, siêu thị mà ở các cửa hàng bán trang phục, giày dép bình dân cũng đang nóng lên từng ngày, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Trời đã về khuya, tại shop Fami đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Gấp) hàng chục khách hàng xếp hàng lựa chọn quần áo với khuyến mãi 10-40%. Mặc dù diện tích shop hàng nhỏ nhưng cũng không ngớt người tới mua sắm, chọn lựa và thử đồ.
Quần áo được chất thành từng đống với nhiều loại khác nhau để mọi người thoải mái lựa chọn. Các mặt hàng này phần lớn có giá bán khá “mềm”. Quần kaki có giá 80.000-120.000 đồng/cái, áo thun 30.000-70.000 đồng/cái. Quần jean có giá dao động 70.000-150.000 đồng/cái.
Các loại áo khoác, áo lông với mẫu mã khá đẹp cũng chỉ 200.000-300.000 đồng/cái. Một nhân viên cửa hàng này cho biết quần áo được bày bán có giá 99.000-400.000 đồng/cái thu hút khá đông khách hàng đến mua sắm, chủ yếu các bạn trẻ.
Dọc đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12) những ngày cuối cùng của năm Bính Thân, từ 12h trở đi là tiếng loa rao, tiếng nhạc thậm thịch đinh tai... Giày dép, gối mền, xoong chảo, túi xách, đồ nhựa gia dụng... được trải bán dọc khắp cả vỉa hè từ đầu đến cuối đường.
“Giày bata 50.000 đồng/đôi, mại dô lựa thoải mái ăn tết bà con ơi” - anh Quốc Thịnh, một tay cầm giày quơ lia lịa, một tay cầm loa rao.
Ngay trên đường Cách Mạng Tháng Tám (cạnh công viên Lê Thị Riêng) cũng có khoảng vài chục tiệm hàng “xôn” (hàng giảm giá) mọc lên. Áo quần, đồ lót, đồ bộ, váy, trang sức, đồ gia dụng... được đem ra bán với giá 60.000-200.000 đồng, khách ra vào tấp nập...
Năm nay lương thưởng không nhiều nên chị Quách Thị Trang, quê Quảng Bình, không về quê ăn tết nhưng vẫn muốn mua quần áo mới cho các thành viên trong gia đình dịp năm mới.
Cầm trên tay hai bọc quần áo được mua với hơn 500.000 đồng, chị Trang cho biết làm công nhân lương tháng vài ba triệu đồng nên chị và nhiều chị em ở công ty chỉ chọn mua ở cửa hàng lề đường, chợ đêm và chọn dịp cận tết để tìm hàng khuyến mãi.
“Hàng giá rẻ bằng nửa shop nhưng cố lựa cũng có cái đẹp, cái tốt đó. Mẫu mã cũng không thua gì shop đâu” - chị Trang vui vẻ nói.
Đa dạng nguồn hàng giá rẻ
Theo nhiều chủ cửa hàng, hộ kinh doanh, nguồn gốc hàng bình dân được bày bán ở nhiều chợ, vỉa hè và cả các cửa hàng... chủ yếu được lấy ở chợ sỉ như An Đông, Tân Bình và các nhà may, gia công nhỏ lẻ nên mức giá khá bình dân.
Chỉ mới bán khoảng một tuần trở lại đây, nhưng gian hàng với cả chục thùng cactông đựng đầy quần áo các loại kê dọc trên vỉa hè cầu Bông (Q.1) của chị Thủy khá hút khách.
Chị Thủy cho biết hàng chị bán phần lớn là loại tốt, được các công ty may để xuất khẩu nhưng do mẫu cũ hoặc bị lỗi vài chi tiết nhỏ, chị lấy tận gốc nên bán ra giá cũng khá mềm, chỉ 70.000-250.000 đồng/sản phẩm tùy loại.
“Sản phẩm chất liệu vải như ở đây trong shop bán giá gấp đôi, gấp ba” - chị Thủy khẳng định.
Theo nhiều chủ shop, năm nay sức mua cũng không mạnh, người tiêu dùng có nhiều kênh mua sắm hơn trước nên hàng tồn nhiều hơn, khiến việc “tổng xả hàng” diễn ra trên diện rộng.
Anh Nguyễn Đạt, chủ một sạp hàng xôn đường Đông Hưng Thuận, cho biết hàng chủ yếu được tuồn ra từ các công ty, hàng tồn kho nhiều nên họ bán xả hàng để có nguồn thu phục vụ nhu cầu tài chính dịp cuối năm.
Cơ sở dệt may nhỏ lẻ bung hàng Các cơ sở may nhỏ lẻ là nguồn cung cấp quan trọng hàng “xôn”, hàng giảm giá. Theo anh Trần Thanh Hùng - chủ cơ sở may quần áo jean Trần Hùng (chợ Tân Bình, Q.Tân Bình), hàng trăm cơ sở may quần áo tại khu vực chợ Tân Bình phải tăng lượng hàng bán ra gấp 3-4 lần ngày thường. Đang tất bật đóng hơn 3.000 quần jean bỏ đi Long An, anh Hùng nói cả tháng qua cứ hai ngày là anh đóng 2.000-3.000 quần áo jean đi tỉnh với giá bán sỉ rẻ hơn bán lẻ 20-30%, ở mức 100.000-150.000 đồng/cái. Ngoài ra, anh Hùng cho biết tết năm nay lượng quần áo bán đi Campuchia cũng tăng đáng kể so với mọi năm. Đặc biệt là jean và kaki, nên hai tháng cuối năm các chủng loại này bán ra chiếm khoảng 70% lượng bán cả năm. |
Cẩn thận nguồn gốc, chất lượng Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), nguồn hàng “xôn” rất đa dạng. Ngoại trừ các thương hiệu lớn tự tổ chức bán giảm giá với 2-3 sản phẩm cho cùng một mức giá ngay tại hệ thống của mình, còn lại, theo ông Hồng, hàng “xôn” tại các shop nhỏ, lề đường hoặc tập trung tại các chợ đêm... phần lớn đều là hàng Trung Quốc, nhập khẩu qua đường không chính thức nên giá nào cũng có. Do đã xác định phân khúc khách hàng là người lao động có mức thu nhập thấp, nên giá bán của các loại quần áo này được khống chế tối đa dưới 150.000 đồng/quần, dưới 100.000 đồng/áo. “Đương nhiên chất lượng sẽ tỉ lệ thuận với giá bán” - ông Hồng cảnh báo. Chị Nguyễn Thùy Trang, chủ cơ sở may Trang Anh (H.Hóc Môn), nêu lý do hàng giá rẻ vì nếu “rót” hàng cho shop nhỏ, chợ nhỏ ở mấy quận vùng ven thì không cần dùng nguyên liệu đắt tiền. Ngoài ra, hàng được tính theo giá sỉ với một “dây hàng” (mẫu áo hoặc quần) chia 5-7 size. Người mua bắt buộc phải mua hết “cả dây” chứ không được chọn từng size nhằm tránh tình trạng hàng bị “ế” ở những kích cỡ quá to hoặc quá nhỏ, không phổ biến. Kiểu dáng cũng đơn điệu, ít mẫu lựa chọn. Vì vậy giá rẻ, phù hợp cho những người thu nhập trung bình và thấp. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]