Thông tin từ Tổng cục Hải quan và chi cục hải quan các tỉnh, thành giáp biên cho thấy, hàng giả, hàng lậu... dịp cuối năm đang vào thời kỳ cao điểm. Các mối buôn sử dụng hết công suất cả trên đường bộ, đường sắt, biên giới, cảng biển, đường hàng không. Đặc biệt với nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động buôn lậu, hàng giả khôn khéo núp mình, chỉ lộ ra những khoảng hở nho nhỏ...
Những “món hàng ưa chuộng” của đầu nậu
Các mặt hàng có nhu cầu cao luôn được dân buôn ưa chuộng dịp Tết là đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, đặc biệt là pháo nổ. Ngày 25/12, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an đã phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn tổ chức kiểm tra hàng hóa nhập khẩu và lập biên bản xử lý hành vi vi phạm đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Trường Hải có địa chỉ tại Mễ Sở, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an và Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xác định công ty này nhập khẩu hàng hóa có bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc xuất xứ gồm 2.000 chiếc nồi cơm điện hiệu NEW COOK, bao bì ghi nội dung xuất xứ Việt Nam.
Ở một địa bàn khác giáp biên là Quảng Ninh, những ngày đầu năm mới 2017, Đội kiểm soát liên hợp I (gồm Hải quan, Biên phòng) đã liên tiếp bắt giữ 4 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại khu vực biên giới thuộc phường Ka Long (Móng Cái). Cụ thể, từ ngày 31/12/2016 đến nay, đội đã phát hiện 4 vụ vận chuyển, tập kết hàng hóa tại khu vực bờ sông biên giới. Khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, các đối tượng đã bỏ trốn, để lại một số lượng lớn các loại hàng hóa, bao gồm: 3kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất; gần 1.000 bao thuốc lá; một lượng lớn mỹ phẩm: 1.358 lọ kem dưỡng, kem ủ tóc các loại; 174 hộp son môi; 330 lọ sơn móng tay; 300 hộp mù tạt nhãn hiệu Wasabi... không rõ nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa hơn 140 triệu đồng.
Hàng lậu chia mọi ngả đường náo loạn thị trường những ngày giáp Tết.
Trước đó, cũng trên địa bàn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã bắt quả tang một đối tượng vận chuyển trái phép pháo do Trung Quốc sản xuất. Đối tượng bị bắt giữ khai nhận, ngày 28/12, hắn ra chợ tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc mua tổng cộng 22kg pháo các loại với giá 450 nhân dân tệ và cất giấu vào 1 cặp kéo, 1 ba lô, 1 túi xách vượt biên mang về Việt Nam để sử dụng và bán kiếm lời.
Hàng lậu trên mọi phương tiện
Giờ đây, hàng không đang là một trong những phương tiện bị hàng lậu để mắt tới. Trong số gần 1.200 vụ vi phạm pháp luật về hải quan do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện từ đầu năm 2016, có nhiều vụ buôn lậu lớn, với thủ đoạn cực kỳ tinh vi lần đầu tiên bị phát hiện tại Việt Nam. Có thể thấy điều này qua 3 vụ buôn lậu gần 4 tấn ngà voi và vảy tê tê qua đường biển từ châu Phi về cảng Cát Lái TP.HCM bị Cơ quan Hải quan phát hiện trong tháng 10/2016. Cả hai vụ nhập lậu ngà voi bị phát hiện đều được các đối tượng dùng thủ đoạn cất giấu cực kỳ tinh vi. Các đối tượng đã khoét rỗng ruột gỗ để nhét ngà voi vào phía trong, phủ chặt sáp, nắp lại như khúc gỗ thường.
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng là một điểm “nóng” về buôn lậu. Phó Cục trưởng Hải quan Hà Nội Nguyễn Văn Hồng cho biết, các đối tượng chủ yếu buôn các mặt hàng cấm, có giá trị kinh tế cao như ma túy, vàng, ngoại tệ, sừng tê giác, ngà voi... Các đối tượng vận chuyển động vật hoang dã từ các nước ít bị nghi ngờ, móc nối với nhân viên hàng không dưới mặt đất, thậm chí còn lôi kéo người nước ngoài, nhân viên ngoại giao, những đối tượng ít bị kiểm tra chặt để vận chuyển hàng. Các kiện hàng, gói hàng hoặc được giấu trong người, trong hành lý xách tay hoặc chỉ ghi địa chỉ sai, hoặc địa chỉ nhận một cách chung chung, rất khó kiểm soát. Ngoài ra, sữa, mỹ phẩm, rượu ngoại luôn là mặt hàng ưa chuộng của dân buôn hàng lậu cuối năm. Điển hình như vụ việc cuối tháng 11/2016, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, qua kiểm tra phát hiện lô hành lý ký gửi không giấy tờ, nguồn gốc của bà Nguyễn Thị Minh Thu có 57.000 điếu thuốc lá, 12.907 sản phẩm mỹ phẩm, 122 chai rượu, 11 hộp sữa.
Ngoài hàng không, các con đường “truyền thống” của hàng lậu đều được huy động tối đa dịp cận Tết. Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP. Hà Nội, hàng lậu, hàng giả xâm nhập thị trường Thủ đô bằng tất cả các con đường như đường bộ, tàu hỏa..., với rất nhiều loại hàng hóa khác nhau từ đồ điện tử, gia dụng, quần áo thời trang, thực phẩm, hàng cấm. Các đối tượng không vận chuyển khối lượng hàng lớn như trước đây mà thường tập kết ở các khu vực thuộc các tỉnh giáp ranh thành phố như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... rồi xé lẻ, theo các xe thô sơ vận chuyển vào tiêu thụ trong thành phố.
Đánh giá tình hình của Tổng cục Hải quan cũng như Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại từ nay đến cuối năm 2016, đặc biệt là thời điểm trước Tết Nguyên đán sẽ rất nặng nề. Giải pháp trước mắt là tăng cường lực lượng, nắm chắc diễn biến tình hình tại các địa bàn, không để xảy ra các vụ buôn lậu lớn, phức tạp; đồng thời tập trung kiểm soát các mặt hàng cấm và nguy hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng như pháo, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ điện tử... thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]