Thuật ngữ "menswear" - y phục của nam giới đã không còn là "của riêng" cánh đàn ông, mà những người phụ nữ đã khéo léo biến nó thành một phong cách in đậm dấu ấn cá nhân trong hàng thế kỷ qua. Những chiếc áo cánh hay sự bồng xòe cùa tà váy đã không còn là sợi dây trói buộc mặc định cho nét dịu dàng của người con gái. Mọi thứ đã đổi khác, các cô gái không phải cột mình vào những tính từ như yếu đuối hay mỏng manh nữa.
Họ đã chứng minh được với thế giới rằng sự mạnh mẽ, độc lập không thuộc quyền sở hữu cộp mác của đàn ông. Nói thế cũng chẳng đồng nghĩa với việc các nàng phải gồng mình lên để chứng tỏ mọi thứ. Phụ nữ muôn đời vẫn là phụ nữ mà thôi; chỉ là họ cần sự tôn trọng, họ cũng có bầu trời riêng của mình mà ở đó, từng người lại có màu sắc riêng chẳng thể phá vỡ. Không hề có điều gì là hoàn toàn tuyệt đối, đến cả vũ trụ bao la kia cũng thay đổi từng ngày. Do thế, đừng mặc định cái này là của đàn ông và cái kia là của phụ nữ.
Bạn có thể nghĩ "ôi chao. Họ (phụ nữ) chỉ mạnh mồm vậy thôi. Chứ tâm hồn nhạy cảm lắm. Lại chẳng rêu rao em cần một bờ vai suốt đấy chứ". Nhưng xin hãy "tỉnh táo" để nhìn kỹ lại, ẩn chứa sâu thẳm đằng sau có bao nhiêu phần trăm thực sự mong muốn dựa dẫm đơn thuần? Kiếm tìm vòng tay chỉ là ngóng chờ sự an toàn sau khi trở về từ những mệt mỏi cuộc sống. Còn suy đi tính lại, vẫn là bàn tay họ tự giải quyết vấn đề của chính mình. Tất nhiên, vai trò đàn ông vẫn rất quan trọng trong thế giới của một người phụ nữ, nhưng đừng "lý tưởng" hay "thần thánh" hóa vai trò đó. Ai rồi cũng đều sẽ chỉ là người thường và sinh diệt như nhau mà thôi.
Và cho dù đời thực đôi khi vẫn không như mơ, nhưng sau cùng, phụ nữ vẫn có vô số niềm an ủi và vỗ về mà xếp đầu là thời trang. Thời trang vẫn mãi là người bạn chẳng rời của người phụ nữ dù họ tội nghiệp hay đang ở đỉnh cao. Thời trang luôn chiều chuộng họ, hiểu cặn kẽ chân tơ của họ để tôn vinh và nâng bước họ.
Menswear cũng chẳng ngoại lệ. Mặc đồ menswear, phái đẹp tự mình thể hiện hình ảnh cái tôi cá tính và tự chủ. Rõ ràng bộ trang phục vô tri vô giác trở thành lá chắn thép che chở cho những gì là mong manh yếu đuối. Phụ nữ diện váy xẻ ngực sâu có thể khiến nam giới bấn loạn, nhưng phụ nữ diện bộ cánh menswear thì làm cánh mày râu vừa tò mò, vừa thích thú. Sự bấn loạn có thể sôi sục rồi qua đi nhanh chóng, còn cảm giác tò mò thích thú lôi kéo người ta đi lạc vào mê cung của cảm xúc.
Trong tiếng Anh, phong cách menswear được gọi là “dandy style”. Ngày xưa, dandy là từ chỉ những người đàn ông trung lưu khao khát được gia nhập tầng lớp quý tộc. Vì thế họ mặc trang phục y như một quý tộc sành điệu bao gồm áo vest, mũ thành cao, quần tây ống đứng và những phụ kiện màu sắc như cổ áo xếp nếp, túi vuông góc, tất in họa tiết, giày Oxford… Phong cách dandy cũng đòi hỏi chất liệu vải sang trọng với màu sắc cổ điển như đen, nâu, xám, trắng… và không dùng quá nhiều trang sức.
Tiếng Pháp cũng có từ Garçonne do văn sỹ người Pháp J.K. Huysmans khai sinh năm 1880 chỉ những phụ nữ chuyên mặc trang phục và để kiểu tóc như nam giới.
Nó được dùng lại và được nhà văn Victor Margueritte phổ biến những năm 1920 để gọi các quý cô nổi loạn, dám từ bỏ chiếc áo corset bó buộc hay áo khoác nhỏ để chuyển sang những trang phục rộng rãi, thoải mái mang phong cách nam tính. Phong cách Garçonne chuộng những chiếc áo có thiết kế làm ngực trông phẳng hơn và dài phủ hông để che đi đường cong cơ thể. Phụ nữ theo phong cách này thường cắt tóc ngắn và làm mọi thứ để thoát khỏi vẻ nữ tính yếu đuối.
Thế chiến thứ nhất là một trong những chất xúc tác cho sự biến chuyển chính trong giải phóng phụ nữ, bao gồm cả thời trang. Phụ nữ bắt đầu chọn những trang phục gọn gàng và năng động hơn phá vỡ những quy định về ăn mặc vô cùng khắt khe trước đó. Mặc dù váy hay trang phục nữ giới vân được ưa chuộng nhưng không thể phủ nhận sự mạnh mẽ đã len lỏi dần vào trong các thiết kế.
Và hơn hết, những người phụ nữ của tự do thực sự phải cảm ơn "the fist female dandy" - Coco Chanel. Táo bạo gạt bỏ kiểu cách nữ tính trong trang phục và đi theo trường phái lưỡng tính (androgynous), bà cũng là một trong những nhà thiết kế đầu tiên giới thiệu trang phục quần tây cho phụ nữ. Nhiều thiết kế của bà được lấy cảm hứng từ trang phục nam như bộ suit thanh lịch bằng chất liệu tweed huyền thoại, phổ biến đến tận ngày nay…
Tuy nhiên, cũng truân chuyên như việc đòi sự bình đẳng giới, những thiết kế của Coco lúc đầu không được công nhận bởi số đông công chúng. Nó quá phá cách và mọi người chưa có thể đón nhận được sự cá tính vượt trên định kiến đó. Nhưng dần dần, với sự kiên trì và nhẫn nại của thời gian, tính gọn gàng, thoải mái trên trang phục menswear của Coco đã mê hoặc những cô gái có tư tưởng cách tân. Nhà thiết kế tài hoa chứng tỏ một điều: giới hạn trong thời trang vốn rất mơ hồ, và giới tính - tuổi tác chỉ là những khái niệm trừu tượng mà thôi!
Coco Chanel - người khởi xướng phong cách menswear trong thời trang
Những phụ nữ trẻ trong phong cách menswear 1924
Một trang tạp chí những năm 20
Hình ảnh nữ diễn viên người Đức, Marlene Dietrich đã phá bỏ quy luật giới tính khi xuất hiện trong chiếc mũ cao quý tộc và áo đuôi tôm trong vai nữ ca sỹ phòng trà ngông nghênh trong phim Morroco (năm 1930) của đạo diễn Josef von Sternberg.
Wallis Simpson trong BST trang phục suit cho tiệc tối 1937
Một ngôi sao khác, Katharine Hepburn, đã sớm định hình phong cách menswear của mình bằng trang phục quần tây, áo blazer quá khổ, sơ-mi trắng và mang giày loafer. Trong thời kỳ của những bộ cánh lộng lẫy và hào nhoáng ở Hollywood, Katharine vẫn độc hành trong những bộ suit mạnh mẽ. Dù không cố tình tạo nên chuẩn mực nào nhưng phong cách táo bạo của bà đã truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế như Giorgio Armani, Stella McCartney và Gianfranco Ferré sau này.
Từ đó, ở hai bờ Đại Tây Dương, phụ nữ bắt đầu “bày trò” với những món đồ trong tủ quần áo của chồng: cà-vạt biến thành thắt lưng, dùng áo khoác ngoài hay sơ-mi, mũ, mũ phớt… để làm trang phục và phụ kiện cho mình. Khái niệm menswear hay “những quý cô bảnh bao” cũng dần hình thành và phổ biến hơn. Chúng ăn điểm trong lòng những người phụ nữ bằng sự phóng khoáng, cá tính đầy tự chủ và bản lĩnh. Menswear khỏa lấp được khoảng trống trong tầm hồn phái đẹp, tiếp thêm tự tin cho họ để khẳng định bản thân. Họ chẳng muốn "lật đổ" ai, gây náo loạn hay hùng hồn phủ nhận điều gì. Cái họ cần chỉ là chỗ đứng vững chắc trong dòng đời vốn nghiêng ngả.
Cái phụ nữ cần, ngoài vẻ đẹp, là sự bình đẳng và trân trọng từ sâu bên trong
Menswear là một trong những nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thiết kế. Yves Saint Laurent là nhà mốt ảnh hưởng rất sớm bởi phong cách này với bộ sưu tập Le Smoking nổi tiếng năm 1966. Chiếc áo khoác Le Smoking đã ghi dấu ấn là chiếc áo tuxedo đầu tiên dành cho nữ giới. Không chỉ gây tiếng vang, nó còn đóng vai trò then chốt trong việc vẽ nên hình ảnh nữ doanh nhân chuyên nghiệp. Chiếc áo này được sánh ngang với Little Black Dress như một món đồ kinh điển không thể thiếu trong bất kỳ tủ quần áo nào của phái nữ.
Ngoài nhà mốt Yves Saint Paris với chiếc áo Le Smoking huyền thoại, còn rất nhiều nhà thiết kế khác lừng danh khác vẫn tiếp tục phát triển phong cách menswear này trong các bộ sưu tập mỗi dịp thu về hay lúc xuân đến.
Ngày nay, những mẫu thiết kế được thay đổi so với trước đây để trang phục theo phong cách menswear, mà vẫn giữ được vẻ nữ tính cho người mặc. Dù là một phong cách vay mượn nhưng phái đẹp đã khéo léo biến chúng thành của mình bằng cách thêm vào những điểm nhấn ôm sát hơn, sử dụng màu sắc sáng hơn và chất liệu mềm mại hơn; phù hợp với đại đa số phái nữ hơn. Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến nét đẹp quyến rũ tiềm ẩn trong mỗi người phụ nữ là yếu tố quyết định thế mạnh của phong cách này
Smoking Tuxedo của Yves Saint Laurent 1966
Tạp chí Vouge mùa thu 1977
BST Xuân hè 2013 của Yves Saint Laurent
Lookbook Mango 2013
Mullberry Pre fall 2014
Christian Dior
Victoria Beckhams Thu 2014
Hermes Xuân hè 2015
Menswear cũng không hề là xa lạ đối với phái đẹp Việt. Miếng độn vai (shoulder - pad), quần âu, áo sơ mi trắng, blazer là những trang phục đầu tiên được "du nhập" vào Việt Nam. Dần dà, các cô gái quen với áo dài kín đáo trút bỏ ngại ngùng để tiến đến với sự cá tính tiềm ẩn. Đặc biệt, cầu vai tuy không phải là chi tiết được mượn từ trang phục của nam giới nhưng vẫn được coi là mang hơi hướng menswear bởi chúng giúp cho phụ nữ có đôi vai rộng (giống của phái mạnh) và là một trong những cách để những người phụ nữ thể hiện sự ngang hàng với nam giới trong mọi lĩnh vực của thời kì này. Có lẽ vì lý do vậy mà chúng đã được yêu thích trong một thời gian rất dài tại Việt Nam.
Bắt đầu từ hè 2013, menswear chính thức bùng nổ và đến 2014 thì chúng chẳng còn là phong cách của riêng các ngôi sao hay những người nổi tiếng. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những bộ suit sang trọng hay dân dã với hình ảnh áo sơ mi bên trong sweater cổ tròn ấm áp ngày đông. Oxfords, brogues hay loafers đều là những đôi giày rất dễ đi được lấy từ tủ đồ của phái nam. Tuy nhiên, brogues và loafers thể hiện phong cách menswear rõ ràng hơn oxfords khi từng chi tiết đều có phần cứng cáp và khỏe khoắn rõ rệt.
Và không hề ít các chân dài Việt yêu thích phong cách thời thượng này
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]