Từ “hiện tượng” Bắc Ninh
Ngỡ ngàng biết tin thời kỳ 2001-2010, Bắc Ninh xuất khẩu tăng trung bình 47,9%/năm, trong đó giai đoạn 2005-2010 tăng tới gần 91% (cả nước là 17,43%/năm). Năm 2012, xuất khẩu của Bắc Ninh đạt 13,7 tỷ USD, chiếm 12% của cả nước, trở thành địa phương xuất khẩu lớn nhất khu vực phía Bắc, thứ hai cả nước sau TP.HCM.
Cũng trong năm ấy, cả nước xuất siêu, Bắc Ninh cũng vậy.
Càng giật mình khi biết 8 tháng năm nay, Bắc Ninh đạt kim ngạch xuất khẩu 15,5 tỷ USD, vững vàng vị trí thứ 2 sau TP.HCM, bằng 2,3 lần Hà Nội. Dự báo cả năm, xuất khẩu của Bắc Ninh chạm ngưỡng 20 tỷ USD.
Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất nước, số dân chỉ bằng 1,2% dân số cả nước. Rừng vàng, biển bạc không. Mỏ vàng, bạc, đá quý mới phát hiện cũng không. Trung tâm khoa học công nghệ siêu cao càng không. Lọt thỏm giữa Bắc Bộ, không cửa khẩu, không kho trung chuyển. Về văn hoá phi vật thể, Bắc Ninh ở vị thế khá cao, có thể xuất khẩu tại chỗ qua khách du lịch quốc tế, nhưng nước ta đâu cũng là vùng địa linh nhân kiệt, nhiều địa phương cũng có lợi thế này.
Điện thoại lắp ráp chủ yếu từ Bắc Ninh rồi xuất khẩu - "bảo bối" giúp kim ngạch của tỉnh tăng trưởng ngoạn mục (ảnh ICTnews)
Vậy, Bắc Ninh có “bảo bối” gì?
Có được điều thần kỳ đó vì Bắc Ninh đã đi đúng đường ray “công nghiệp hoá”. Tỉnh có quy mô công nghiệp lớn thứ năm cả nước, thứ hai khu vực phía Bắc, duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước trong nhiều năm qua nhờ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao như SamSung, Canon, Nokia... Năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 84.884 tỷ đồng. Năm 2013, công nghiệp Bắc Ninh sẽ gia nhập "Câu lạc bộ 100.000 tỷ đồng". Tổ hợp của Samsung tại Bắc Ninh đang “ăn nên làm ra” khi đạt hơn 100 triệu sản phẩm trong năm 2012 và đạt giá trị xuất khẩu 12,7 tỷ USD. Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia đầu tư 200 triệu Euro (300 triệu USD) để cho ra 45 triệu sản phẩm/quý, phần lớn để xuất khẩu. Với đà này, xuất khẩu của Bắc Ninh sẽ tăng vùn vụt còn giới trẻ tha hồ xài những con “dế” cực sang, cực rẻ.
Thì ra, phép mầu ở các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “đến đây thì ở lại đây” sinh “con đàn, cháu đống” để xuất khẩu từ Bắc Ninh. 6 tháng đầu năm 2013, Bắc Ninh xuất khẩu 13,7 tỷ USD thì khối FDI đóng góp tới 98,5%, khu vực trong nước chỉ vỏn vẹn có 1,5%, tương đương 200 triệu USD. Trong đó, hàng điện tử chiếm đến 98%, chẳng những áp đảo mà tốc độ tăng cũng ngoạn mục.
Như vậy, theo thành phần kinh tế và mặt hàng, xuất khẩu của Bắc Ninh hầu hết là của khối FDI. Đành rằng đó là sản phẩm của nền công nghệ cao, nhưng ở Bắc Ninh chỉ thuần tuý lắp ráp. Còn những sản phẩm từ đồng đất, con người, doanh nghiệp Bắc Ninh, nhỏ nhoi, đang lận đận trong khúc quanh như xuất khẩu thuần Việt nói chung, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều làng nghề vang bóng một thời.
Xuất khẩu hộ
Xuất khẩu của Bắc Ninh, thực chất là “xuất khẩu hộ” bên ngoài như tình cảnh chung của cả nước. Song, xem ra, phần “ngoại lai” của xuất khẩu cả nước không áp đảo như ở Bắc Ninh. Năm 2012, trong xuất khẩu của cả nước, tỷ trọng của khối FDI (kể cả dầu thô) là 63% và khối doanh nghiệp trong nước là 37%. 9 tháng đầu năm 2013, các chỉ số tương tự là 66% - 34%.
Thực chất, chúng ta đang “xuất khẩu hộ” các DN FDI đầu tư vào VN
Từ ngày có FDI, xuất khẩu của Việt Nam “mở mày, mở mặt”. Nhưng tới thời điểm Sam Sung cùng các hãng điện thoại khác “đổ bộ” vào Việt Nam lắp ráp thì xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến. Kim ngạch của cả nước năm 2012 vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD và xuất siêu, chính là nhờ điện thoại... lắp ráp. 9 tháng năm 2013, xuất khẩu điện thoại đạt 15,1 tỷ USD, soán ngôi số một của dệt may. Không chừng, với đà này Việt Nam sẽ là “cường quốc” xuất khẩu điện thoại hộ nước ngoài. Điện thoại lắp ráp chủ yếu lại từ Bắc Ninh, nên cơ cấu xuất khẩu ngoại lai của Bắc Ninh “vượt trội” hơn cơ cấu xuất khẩu của cả nước là vậy.
Sự lấn lướt của nước ngoài trong xuất khẩu của Việt Nam không chỉ ở hàng công nghiệp gia công mà còn lây nhiễm sang các mặt hàng tiềm năng như cà phê, hồ tiêu... Hiện có hơn hai chục mặt hàng kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên nhưng nội hàm của mỗi tên tuổi ít nhiều - trong ruột, ngoài vỏ - trước sau đều có yếu tố nước ngoài. Mặt hàng nào càng lớn, phần “ngoại lai” trong một đơn vị sản phẩm càng cao. Yếu tố “nước ngoài” len lỏi các khâu đầu vào, đến đầu ra họ thì độc diễn, nên mới nảy nòi chiêu thức “chuyển giá”, FDI tha hồ hoá phép lãi thành... lỗ.
Sự ngoại lai còn di căn vào “nội tạng” cán cân thương mại. 9 tháng 2013, cả nước quay lại quỹ đạo nhập siêu 124 triệu USD, thì khối doanh nghiệp nội địa nhập siêu tới 9,574 tỷ USD, còn khối FDI vẫn ung dung xuất siêu 9,45 tỷ USD. Chỉ ngất ngây ở con số vĩ mô, lảng tránh tình thế này, chắc mẩn sắp đến ngày cân bằng xuất - nhập chỉ là ảo tưởng. Thặng dư thương mại họ ôm gọn, thâm hụt mậu dịch ta lãnh đủ.
Để hiện thực hóa khao khát hóa rồng, các nước kém phát triển buộc phải trải thảm đỏ mời gọi dòng vốn FDI. Thực tế, họ đã vào và họ phương trưởng, còn đóng góp cho ngân sách quốc gia, thu nhập của địa phương thì chẳng đáng là bao, bởi không ít doanh nghiệp có vốn “ngoại” sau hàng chục năm “kiếm ăn” ở xứ ta, vẫn kêu than rằng đang... lỗ.
Nhưng, qua 1/4 thế kỷ “đón rước” FDI, được thua đã rõ. Lẽ nào chúng ta cứ bằng lòng mãi với việc cho nước ngoài thuê mặt bằng để họ làm giàu, còn ta thì hứng rác thải?
Theo Nguyễn Duy Nghĩa - Vietnamnet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]