Thu mua lúa, gạo tạm trữ ở Đồng Tháp. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Theo các chuyên gia về nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đạt mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo trong dân, tuy nhiên cũng còn nhiều băn khoăn từ lượng gạo bán tiểu ngạch qua biên giới.
Xuất khẩu gạo ổn định
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu gạo tháng 8 đạt 627.089 tấn, trị giá FOB 270,353 triệu USD, trị giá CIF 284,690 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 431,12 USD/tấn. So với tháng 7, số lượng tăng 1,87%, trị giá FOB tăng 2,23%, trị giá CIF tăng 1,37%, giá bình quân tăng 1,54 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng tăng 1,4%, trị giá FOB tăng 2,94%, trị giá CIF tăng 5,86%, giá bình quân tăng 6,47 USD/tấn.
Lũy kế xuất khẩu 8 tháng của năm 2014, lượng gạo xuất khẩu đã đạt 4,243 triệu tấn, trị giá FOB 1,831 tỷ USD, trị giá CIF 1,932 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 431,38 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 9,17%, trị giá FOB giảm 8,55%, trị giá CIF giảm 7,26%, giá bình quân tăng 2,95 USD/tấn.
Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu tháng 8 gần đạt kế hoạch đề ra là 650 ngàn tấn, cao hơn tháng trước và cao hơn mức bình quân 8 tháng, tuy nhiên lũy kế 8 tháng vẫn thấp hơn cùng kỳ đáng kể. Thị trường xuất khẩu chính trong tháng vẫn là thị trường tập trung Philippines, sau đó đến châu Phi, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.
Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành bình quân lúa vụ Hè-Thu 2014 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 4.370 đồng/kg. Nhưng vào thời điểm ngày 4/9, giá lúa khô tại ruộng loại hạt dài giá thấp nhất là 5.400 đồng/kg, giá cao nhất là 5.950 đồng/kg, giá bình quân là 5.750 đồng/kg; lúa thường giá thấp nhất 5.275 đồng/kg và giá cao nhất là 5.850 đồng/kg, giá bình quân là 5.547 đồng/kg đồng thời, giá lúa khô tại kho doanh nghiệp loại hạt dài đạt bình quân là 5.915 đồng/kg; lúa thường bình quân là 5.697 đồng/kg; giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao tại mạn tàu bình quân là 9.170 đồng/kg.
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cho biết, vụ lúa hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được mùa, được giá. Đặc biệt tháng 7 và cao điểm thu hoạch nhưng giá vẫn ở mức cao, vì vậy có thể nói dự báo của các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp đã không theo diễn biến thực tế.
Với các hợp đồng ký được ở thị trường tập trung và sự trở lại của một số thị trường châu Á, cộng với lượng gạo được bán theo đường tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc khiến giá lúa trong nước cao trong khi giá thị trường thế giới ở mức thấp hơn, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã chịu lỗ khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó. Thậm chí, có doanh nghiệp sau khi được phân chia trong cung ứng hàng cho thị trường tập trung đã không thực hiện vì không chịu được thua lỗ khiến Vinafood II buộc phải thế chân để giữ uy tín với các thị trường lớn này.
Băn khoăn quản lý xuất khẩu qua đường tiểu ngạch
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến nay vụ Hè-Thu cơ bản đã thu hoạch gần xong, nguồn cung cấp không còn nhiều và mức tồn kho thấp, nên mặc dù tháng 8 giá lúa có giảm nhẹ nhưng dự báo giá sẽ tăng lại nhanh khi có hợp đồng xuất khẩu lớn hoặc xuất khẩu biên giới phục hồi trở lại.
Bên cạnh đó, theo Vinafood II, trong những ngày tới Tổng công ty sẽ chào thầu vào thị trường Philippines cung cấp 500.000 tấn gạo nên giá lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ khó giảm thấp.
Cân đối từ Cục Trồng trọt cũng cho thấy, vụ Đông Xuân và Hè Thu năm nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho lượng gạo hàng hóa khoảng 7,2 triệu tấn, vụ Thu Đông và lúa Mùa sẽ cung ứng thêm hơn 1 triệu tấn gạo hàng hóa nữa thì cả năm sẽ có khoảng trên 8,3 triệu tấn gạo hàng hóa.
Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu đến cuối tháng 8 là 4,243 triệu tấn (dự kiến cả năm 6,3 triệu tấn), theo nhiều doanh nghiệp để thực hiện tiếp hợp đồng còn lại chưa giao là 1,774 triệu tấn ngoài lượng gạo còn trong kho thì việc mua lúa trong dân rất khó khăn do không còn nhiều.
Cục Trồng trọt cũng lưu ý, hiện nay rất khó kiểm soát lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch vì số lượng cân đối giữa tổng lượng gạo và số xuất khẩu là có thật. Việc các doanh nghiệp có mua được gạo xuất hay không còn tùy thuộc vào sự kiểm soát lượng gạo xuất tiểu ngạch bởi một thực tế là hiện không có con số chính xác nào cho lượng gạo xuất qua đường tiểu ngạch.
Đánh giá về tình hình cung ứng gạo xuất khẩu từ nay tới cuối năm, một chuyên gia ngành nông nghiệp phân tích, nếu lượng gạo xuất khẩu đến cuối tháng 8 là 4,243 triệu tấn, thời điểm này cũng thu hoạch gần như dứt điểm vụ Hè Thu nên lượng gạo hàng hóa ít nhất cũng là 7 triệu tấn, sau khi trừ lượng gạo tồn kho hiện có thì thị trường lưu thông còn tới gần 2 triệu tấn gạo hàng hóa.
Nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cho biết hiện lượng lúa gạo trong dân đã được mua hết và đặt câu hỏi là lượng gạo lớn như vậy đi đâu? Do sự khó kiểm soát lượng gạo xuất tiểu ngạch nên Cục Trồng trọt đã khuyến cáo, việc có mua được gạo xuất khẩu hay không là tùy thuộc vào sự kiểm soát lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch.
Trước tình trạng này, ông Huỳnh Thế Năng cho biết, mới đây Vinafood II đã có một số đề xuất, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Khi thị trường khó khăn, việc xuất khẩu tiểu ngạch là một hướng tiêu thụ lúa gạo khá tốt cho nông dân, nhưng về lâu dài ông Năng cho rằng cần có cách kiểm soát lượng gạo xuất qua biên giới nhằm chủ động đảm bảo ổn định nguồn cung trong nước.
Theo cân đối của VFA, dự kiến tháng 9 các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 650.000 tấn gạo; xuất khẩu quý IV là 1,4 triệu tấn và cộng xuất khẩu cả năm là 6,3 triệu tấn, chưa tính xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc do không thống kê được./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]