Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm vừa tổ chức tại Cần Thơ.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao" với mục tiêu phát triển ngành lúa gạo sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Đề án dựa trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa. Đồng thời, đề án này sẽ tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh lúa gạo nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Ngoài ra, đề án còn nhằm tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Để thực hiện đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành từng bước với sự tham gia của các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến xuất khẩu.
Bộ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các đề tài khoa học chọn giống lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu của từng tiểu vùng. Trong đó, Bộ đã đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất một số giống lúa có chất lượng cao với giá xuất khẩu khoảng 600 USD/tấn hoặc các giống lúa đặc sản có giá xuất khẩu từ 800 đến 1.000 USD/tấn.
Bộ cùng với các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng đề án phát triển sản phẩm quốc gia lúa gạo, hướng dẫn mỗi vùng chỉ sử dụng từ 2-3 giống chủ lực nhằm tạo được sự đồng đều cho lúa gạo xuất khẩu. Bộ đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm liên quan đến sản xuất, chế biến lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiền thương mại, đặc biệt theo dõi sát thị trường, nắm vững các rào cản kỹ thuật và khả năng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật các thị trường, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với nước ngoài để xây dựng các kênh phân phối gạo, cung ứng vật tư đầu vào sản xuất lúa gạo và thực hiện liên kết trong sản xuất...
Đối với các mặt hàng nông sản khác như thủy sản (cá tra, tôm) và cây ăn trái, Bộ đang giao cho Cục Chế biến nông lâm sản và thủy sản chủ trì phối hợp với Bộ Công thương xây dựng trình duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Trước mắt, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương thực hiện nghiêm Nghị định 36/Ttg của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra trên các thị trường trong nước và quốc tế nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã xuất khẩu gần 8 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu gạo mang tính quốc gia, thiếu giống lúa mang tính đặc trưng, chất lượng lúa gạo không đồng đều do thương lái thu gom từ nhiều địa phương nên giá xuất khẩu bình quân thấp hơn giá xuất khẩu của các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ trên dưới 10 USD/tấn.
Qua khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện có địa phương sản xuất tới hơn 40 giống lúa, trong khi đó, sự liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu còn rời rạc thiếu đồng bộ.
Hiện mới chỉ có một số doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long̉ đã xây dựng được thương hiệu gạo xuất khẩu riêng cho mình như thương hiệu gạo Ngọc Đồng của doanh nghiệp Gentraco, Hương Lúa của Công ty ITA Rice, gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú../.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]