(Nguồn: quangnam.gov.vn)
Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (địa bàn sinh trưởng chủ yếu của sâm Ngọc Linh) đang triển khai di thực sâm và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh thành sâm Việt Nam “sánh vai” với những loại sâm đẳng cấp thế giới.
Mục tiêu đặt ra từ năm 2015 đến năm 2020, các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sẽ trồng 100ha sâm Ngọc Linh, với số lượng 1 triệu cây; đồng thời bản đồ gen cho cây sâm Ngọc Linh cũng được xây dựng để tạo giống gốc cho sâm quốc gia.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My, cho biết mục tiêu của địa phương là phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng giao thông, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn dược liệu quý hiếm này được chú trọng để phục vụ mục tiêu phát triển y tế, kinh tế, bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh.
Cũng theo ông Bửu, vấn đề bảo tồn, đảm bảo nguồn giống chất lượng cao được quan tâm, nhằm mở rộng nhanh diện tích trồng sâm thành vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh. Từ đó, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho cây sâm Việt Nam để sâm Việt Nam ngang tầm sâm Hàn quốc, Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, Quảng Nam cần có sự chung tay, hỗ trợ của Chính phủ, nhà khoa học, doanh nghiệp trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn nâng cao tay nghề đối với người trồng sâm, quảng bá chất lượng, giá trị chữa bệnh của sâm Ngọc Linh.
Tỉnh Quảng Nam hiện đã quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh tại bảy xã thuộc huyện Nam Trà My với tổng diện tích khoảng 19.000ha. Trong đó, cây sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My được người dân bảo tồn, phát triển theo một số phương pháp nhất định. Cụ thể, tại ba xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, huyện Nam Trà My, người dân hình thành 27 nhóm hộ trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau.
Trại sâm giống Tắk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh) do Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My quản lý có hơn 20.000 cây sâm giống, độ tuổi hai năm. Trại dược liệu Trà Linh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, quản lý tổng diện tích hơn 7ha, với 167.658 cây sâm với nhiều độ tuổi khác nhau.
Sau khi có số lượng sâm nguyên liệu ổn định, Quảng Nam sẽ thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư, chế biến sản phẩm đặc hữu từ sâm như nước tăng lực sâm Việt Nam; trà túi lọc sâm Việt Nam; viên uống sâm Việt Nam; viên ngậm sâm Việt Nam...
Là người “theo” cây sâm Ngọc Linh nhiều năm, ông Nguyễn Hoàng Thọ (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) cho biết trồng cây sâm đạt chất lượng đã khó, bảo vệ cây sâm khi trưởng thành còn khó hơn. Tuy nhiên, nếu cây sâm đủ tiêu chuẩn, việc kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm này là không khó.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, sâm K5, sâm đốt trúc, cây thuốc giấu) có tên khoa học là Panaxvietnamensis Ha et Crush, Araliacea, là một loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, cây thuốc quý hiếm của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và của quốc gia.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh là một loài cây dược liệu quý vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Bởi, chất lượng của cây sâm này đã được các nhà nguyên cứu chứng minh có một số đặc điểm cao hơn sâm Trường Bạch (Triều Tiên) và sâm Tây Dương (Mỹ). Loại sâm này quý do sinh sống tự nhiên ở độ cao tuyệt đối trên 1.500m, ổn định ở vùng rừng già hỗn giao nguyên sinh mà tác động của con người gần như không đáng kể.
Theo các nhà nghiên cứu dược học, xu hướng của thế giới là dùng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên vì có tác dụng trị liệu cao, không gây tác dụng phụ, được nhiều công ty dược chế biến thành các loại thuốc phòng, trị các bệnh đặc hiệu./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]