Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yokowo Vietnam (vốn đầu tư của Nhật Bản) ở khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá tích cực về tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam, sự ổn định về chính trị xã hội, giá nhân công rẻ hơn so với các nước trong khu vực...
Kết quả này mới được Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) công bố trong Báo cáo xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đây thực sự là tín hiệu vui trong bối cảnh Việt Nam đang cạnh tranh để thu hút và đón đầu làn sóng đầu tư của Nhật Bản.
Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam chia sẻ các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam và coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam bao gồm cả các văn phòng đại diện. Trong năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký từ Nhật Bản đạt hơn 5,7 tỷ USD. Gần đây, có nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư xây dựng các nhà máy thứ hai, thứ ba tại Việt Nam và mở rộng sang cả các địa phương khác, chứ không chỉ tập trung ở khu công nghiệp lớn.
“JETRO có một website cung cấp thông tin về các quốc gia trên thế giới để cho các doanh nghiệp Nhật Bản có thể nắm được các thông tin về môi trường đầu tư. Theo thống kê chúng tôi thấy số lượng truy cập vào Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và ngang bằng với Thái Lan. Ngoài ra, chúng tôi có thành lập các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại các nước ASEAN. Thống kê cũng cho thấy, số lượng các doanh nghiệp đăng ký làm hội viên ở Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Thái Lan,” ông Atsusuke Kawada nhấn mạnh.
Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao quy mô và khả năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam cũng như tình hình chính trị-xã hội ổn định. Theo ông Kawada Atsusuke, Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong khu vực ASEAN. Các doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn tìm hiểu và tham gia hoạt động tại Việt Nam , ngoài lý do tin tưởng vào khả năng tăng trưởng và tiềm năng phát triển, hầu hết đều nhằm mục đích mở rộng thị trường trong khối ASEAN thông qua Việt Nam.
So sánh với các quốc gia khác trong cùng khu vực, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu luôn đạt mức doanh thu cao hơn (chiếm 60% tổng doanh thu) so với các sản phẩm sản xuất nhằm tiêu thụ trong nước. Đây hoàn toàn là một lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam, nhất là khi quan hệ hợp tác kinh tế nội khối ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ngoài đánh giá cao về khả năng tăng trưởng, sự ổn định về chính trị xã hội, khảo sát của JETRO cho thấy chi phí cho người lao động thấp là một trong những lý do khiến doanh nghiệp nước này ưa thích đầu tư vào Việt Nam, thay vì các quốc gia láng giềng. Theo JETRO, công nhân Việt Nam được trả trung bình khoảng 3.000 USD trong năm 2013, tương đương 250 USD/tháng (khoảng 5,3 triệu đồng). Mức lương này cao hơn tại Lào, Campuchia, Myanmar nhưng chỉ bằng 1/8 lương công nhân làm việc cho công ty Nhật Bản tại Singapore và bằng 1/2 tại Thái Lan.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến, sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Việt Nam có thế mạnh về lực lượng nhân công và trình độ kỹ thuật. Tới đây, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực công nghệ cao. Điều đó chứng tỏ, hàng loạt những giải phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian gần đây đang dần phát huy tác dụng, các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư để quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam đang đi đúng hướng.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Minh, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và phát triển quan hệ đối tác (Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia) cho rằng số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn có lãi tại Việt Nam là tín hiệu vui cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang thuận lợi và phù hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể cạnh tranh trong thu hút dòng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản so với các nước trong khu vực.
Không để tuột mất cơ hội
Rõ ràng, Việt Nam đang có cơ hội rất thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản khi quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển mạnh, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các thị trường lân cận do gặp khó khăn. Để tạo ra sức cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư Nhật Bản so với các đối thủ trong khu vực, đây là thời điểm Việt Nam cần chứng tỏ rõ nét hơn về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.
Mặc dù, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều công nhận môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm vừa qua đã có những bước cải thiện đáng kể với các ưu thế như có nguồn lao động dễ tuyển dụng, quy mô thị trường với khả năng tăng trưởng cao và tình hình chính trị-xã hội ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam trên trường quốc tế. Cụ thể, lương công nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tương đối cao so với một số nước cùng khu vực, gấp đôi Campuchia. Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam chỉ đạt mức 32,2%, thấp hơn mức bình quân chung là 47,8% thế giới, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc là 64,2%, dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thường cao hơn so với các quốc gia khác.
Một điểm hạn chế khác nữa của môi trường đầu tư Việt Nam là thủ tục hành chính phức tạp, thủ tục hải quan, thuế quan, các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài còn thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động có tay nghề cao, kho bãi, thông tin cho nhà đầu tư cũng khiến các công ty nước ngoài e ngại khi tham gia vào thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, nhất là môi trường đầu tư phải có tính tiên lượng, minh bạch, thông thoáng.
Chia sẻ về điểm yếu trong công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, ông Kawada Atsusuke cho rằng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang có những tiến bộ rất đáng kể nhưng vẫn cần chú trọng phát triển thêm. Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chuyên gia từ Nhật Bản đã sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật cũng như chia sẻ kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, JETRO cũng xây dựng danh sách các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Những doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng của Việt Nam sẽ được giới thiệu cho các doanh nghiệp của Nhật Bản, thông qua đó hai bên có thể tạo ra sự kết nối để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đăng Minh, để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Nhật Bản, về vĩ mô, Việt Nam cần tạo chính sách ưu đãi về thuế, hay về những ngành nghề cụ thể để ưu tiên cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam cần cải thiện về cơ sở hạ tầng để đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản vì doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu rất cao về cơ sở hạ tầng.
Về hạ tầng phần mềm, Nhật Bản là thị trường khó tính, vì vậy các dịch vụ của Việt Nam phải thật sự hoàn hảo phù hợp với văn hóa kinh doanh của người Nhật. Việt Nam cũng cần xây dựng chương trình quốc gia về thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, phát hành các cuốn cẩm nang hướng dẫn; tăng cường các buổi giao lưu văn hóa giữa hai bên để doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu được văn hóa kinh doanh của Nhật Bản.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về công nghệ kỹ thuật, ngoại ngữ cũng như trang bị cho họ về văn hóa kinh doanh của người Nhật./.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2013, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam là 2.103 dự án với tổng số vốn lên tới 34.526 triệu USD, bao gồm cả các dự án mở rộng và dự án đầu tư mới.
Mặc dù số lượng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam sụt giảm trong năm qua, nhưng tổng vốn đầu tư mở rộng lại tăng từ 1.222 triệu USD năm 2012 lên tới 4.452 triệu USD năm 2013, khiến Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí số một trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Quốc Huy - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]