Như ông đã biết, tháng 1/2015 sắp tới chúng ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết với tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo ông, trước khi các nhà bán lẻ nước ngoài “ồ ạt” vào Việt Nam thì họ có lợi thế cạnh tranh gì so với các nhà bán lẻ Việt Nam?
- Theo tôi, các nhà bán lẻ nước ngoài có mức độ chuyên nghiệp, mức độ đảm bảo uy tín về thương hiệu của người ta hơn các nhà bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hai là, các nhà bán lẻ nước ngoài có nguồn hàng từ phía nước ngoài cũng thuận lợi hơn so với mình. Muốn gì thì muốn, họ cũng biết được cung ứng dịch vụ bên kia như thế nào? Đặc biệt, những thương hiệu lâu năm thì đối tác cung ứng bên phía nước ngoài người ta cũng tin tưởng hơn để người ta giao hàng.
Một cái nữa, công nghệ thanh toán cũng là một vấn đề. Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng triệt để ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại như thẻ quẹt, máy quẹt, thẻ tín dụng… Một mặt họ vẫn duy trì thanh toán bằng tiền mặt, mặt khác họ vẫn khuyến khích hơn việc thanh toán không phải bằng tiền mặt. Nó cũng hợp hơn với chủ trương trong nước của chúng ta.
Khi chúng ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ thì sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Trước vấn đề trên, theo ông các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài?
- Các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải tìm được yếu tố thành công trong khâu bán lẻ. Đó là cái gì?.
Thứ nhất là kênh phân phối (nghĩa là phải có cả chính – phụ).
Thứ hai, vị trí cũng vô cùng quan trọng, cho nên nhà bán lẻ muốn làm gì thì muốn cũng phải xác định được vị trí đắc địa, phù hợp.
Thứ ba, tận dụng được cái lợi thế của nhà bán lẻ trong nước là hiểu được cái văn hóa người Việt, văn hóa mua bán của người Việt (ví dụ: nhiều khi khách hàng lại thích khuyến mại). Và kĩ năng marketing rất là quan trọng thì cũng nên nghiên cứu và có những cách triển khai cho tốt.
Một điểm nữa, các doanh nghiệp trong nước cũng phải hết sức lưu ý. Đó chính là công tác nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị yếu của khách hàng, cũng như nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Khâu này ít được quan tâm, ít được chú trọng nên nhiều khi cứ mở, cứ bán mà không biết khả năng bán hàng nó ra làm sao? Đối thủ của mình làm ăn thế nào? Cho nên cái này cũng phải làm bài bản.
Bên cạnh đó, cũng cần có nguồn cung ứng hàng lâu dài. Rõ ràng trong bán lẻ nguồn cung ứng hàng phải đảm bảo giá cả hợp lý, không qua một khâu trung gian nữa (đỡ đội chi phí lên); chất lượng an toàn thực phẩm rất là quan trọng. Và cần có một mối hợp tác, liên kết theo kiểu một chuỗi cung ứng để đảm bảo kinh doanh thuận lợi.Cuối cùng, tôi nghĩ cũng rất quan trọng là yếu tố về nhân viên, con người… Tôi thấy rằng, khi tôi đi siêu thị có chủ là người nước ngoài thì bán kiểu khác, còn chủ là người Việt Nam lại bán kiểu khác. Ở đây, muốn nói lên rằng chúng ta phải huấn luyện, phải đạo tạo cho nhân viên thấy được ý thức. Đặc biệt, là văn hóa doanh nghiệp, liên quan đến kĩ năng bán hàng, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng phục vụ đối với khách hàng. Rõ ràng tác phong, thái độ phục vụ của nhiều nhân viên bán hàng của cửa hàng trong nước còn khá là bất cập so với bên phía nước ngoài.
Và trong thời kỳ hội nhập rõ ràng phải có ngoại ngữ. Nhân viên bán hàng cũng phải có mức độ cọ xát, giao tiếp được và bán hàng không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt, khi mở cửa hội nhập hoàn toàn số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia học tập, làm việc tại Việt Nam cũng tăng lên.
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]