Trên thế giới, bơ cũng là loại cây trồng ăn trái phổ biến. Tại Việt Nam, bơ chủ yếu được trồng ở Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc. Anh Nguyễn Trọng Đức, một người trồng bơ tại Buôn Ma Thuột cho biết, trước đây, người dân Tây Nguyên trồng bơ chủ yếu để làm hàng rào và che bóng mát, quả bơ không dùng để bán mà chỉ để ăn trong nhà, thi thoảng tặng người thân. Đến mùa bơ chín rụng đầy gốc cũng không ai buồn nhặt.
Anh Trần Trọng Thanh bên cây bơ ghép cho sản lượng 300kg/ năm. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Tuy nhiên, từ những năm 2005, 2006 đến nay, trái bơ dần trở thành một trong những loại quả có giá trị kinh tế cao, được tiêu thụ lớn nhất trên cả nước, có mặt trên hầu khắp các tỉnh thành, từ chợ cóc tới siêu thi đều được người tiêu dùng yêu chuộng. Giá bơ vì thế cũng nhích dần qua từng năm. Hiện giá bơ trên thị trường dao động từ 10.000 – 60.000 đồng/kg. Mức giá chênh lệch lớn tùy thuộc vào độ ngon, giá trị dinh dưỡng và thương hiệu của từng loại. Do vậy, người trồng bơ luôn cố gắng chăm bón, tập trung cải tạo vườn tược với hi vọng cây bơ của mình cho thật nhiều trái to, thơm ngon, được giá.
Tuy nhiên, bài học thực tế đã chỉ ra, để sở hữu được vựa bơ có sản lượng cao, giá trị kinh tế lớn thì điều kiện sống còn là phải chọn được giống tốt, sau đó là có quy trình chăm bón phù hợp. Chọn nhầm giống bơ đã khiến nhiều chủ trại đi tong cả gia tài và phải mất tới chục năm để gây dựng lại.
Một độc giả của Zing.vn chia sẻ, trang trại nhà anh trồng tới 2.300 cây bơ, gấp gần 4 lần số cây bơ cho trái của anh Trịnh Mười được mệnh danh là “vua” bơ Tây Nguyên, đã thu hoạch được 4 mùa nhưng năm cao nhất cũng chỉ được 100 tấn, nghĩa là khoảng 46 kg/ cây/ năm. Sản lượng này chỉ nhỉnh hơn chút so với sản lượng của giống bơ lai cho trái bói vụ đầu tiên.
Anh Trần Trọng Thanh, cán bộ kỹ thuật dự án hỗ trợ trồng cây ăn trái cho nông dân Tây Nguyên cho biết: Để có vụ bơ đầu tiên, các chủ trại phải trồng cây giống và chăm sóc trong ít nhất 3 năm đối với giống bơ lai ghép và từ 5- 6 năm đối với giống bơ trồng bằng hạt. Tuy nhiên, giống bơ gieo bằng hạt thường bị thoái hóa, cho chất lượng và sản lượng thấp hơn nhiều so với cây mẹ. Nhiều bà con mua phải giống bơ xấu đã không chỉ mất tiền giống, đất mà tệ hơn, còn mất tới 5- 6 năm vất vả chăm bón chỉ để thu về những vụ bơ thất thu. Anh Thanh khuyên bà con chỉ nên trồng bằng giống bơ ghép tại những địa chỉ uy tín.
Giống bơ ghép đạt tiêu chuẩn được tạo nên bởi chồi cây mẹ tốt nhất, phát huy tính trạng trội và giữ nguyên những đặc tính tốt của cây mẹ. Những cây này sẽ cho chất lượng và sản lượng tương đương, thậm chí hơn nhiều cây mẹ nếu kết hợp với quy trình chăm bón hiệu quả từ khâu đào hố, bón lót, khoảng cách hợp lý giữa các cây đến phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất…
Anh Thanh chia sẻ, hiện bơ Tây Nguyên có rất nhiều loại: bơ nước, bơ sáp, bơ sáp dẻo… Mỗi loại bơ đều có hương vị thơm ngon khác nhau, độ béo khác nhau nhưng được yêu thích và có giá cao hơn cả là loại bơ sáp.
Trên đất Tây Nguyên có nhiều cây bơ sáp cổ thụ, cho sản lượng 6 đến 7 tạ một năm, cá biệt có những cây bơ cổ thụ cho trái thơm ngon, ra trái đều quanh năm, sản lượng lên tới cả tấn như vườn bơ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Đức ở đội 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Ruin, tỉnh Đăk Lăk. Giá bơ thu hoạch tại vườn này có thời điểm lên tới cả trăm ngàn một kg. Giống bơ ghép từ chồi của những cây mẹ tốt như thế kết hợp với quy trình chăm bón chuẩn sẽ tạo nên những trại bơ cao sản có giá trị kinh tế, giúp nông dân đổi đời.
Gần chục năm nay, mảnh đất Tây Nguyên đã trở thành “miền đất hứa” giúp nhiều nông dân xóa đói, vượt nghèo, trở thành những triệu phú bơ, vua bơ như anh Đức, anh Trịnh Mười, ông Hoàng Chí Công… Và trái bơ được ví von như “chiếc chìa khóa vàng” của những tấm gương kinh tế giỏi ấy.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]