Chỉ vì tin đồn thịt, tiết chim sẻ có tác dụng cường dương, mạnh âm và chữa được bách bệnh mà nhiều địa phương miền Tây đang rộ lên cơn sốt săn chim sẻ theo kiểu tận diệt.Thời gian gần đây, tại nhiều vùng nông thôn ĐBSCL xuất hiện tình trạng săn bắt chim sẻ bằng cách dùng máy phát âm thanh cực lớn tạo tiếng chim kêu để dụ bắt cả đàn. Theo giới săn chim, nhiều người kéo nhau đi bắt bán loài này vì tin rằng chim sẻ có tác dụng cường dương, bổ thận…
Người bắt dùng một ống nhựa cỡ ngón tay cái, dài khoảng 1,2m và bôi đầy keo, rồi treo lên cột điện hay cành cây và dùng máy phát ra âm thanh tiếng chim. Chim nghe tiếng đồng loại bay đến đậu, và chân sẽ bị dính keo không thể thoát thân.
Loại keo này thường là keo bẫy chuột, được người bắt chim mua với giá 26.000 đồng/lọ. Các chợ tại miền Tây còn có bán riêng loại keo chuyên dụng dùng bẫy chim giá 60.000 đồng/lọ, nhưng đa phần thợ săn chim chỉ chọn keo bẫy chuột vì rẻ tiền.
Máy phát tiếng chim xuất xứ Trung Quốc, có đầu đọc thẻ nhớ sử dụng từ 5 đến 7 giờ mới sạc pin một lần, được bán rất nhiều từ chợ lớn đến chợ nhỏ, với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/cái.
Theo một người săn chim, bẫy bằng keo và máy phát, chỉ cần 5 đến 10 phút là có thể bắt từ 2-6 con chim sẻ.
"Muốn bắt loại chim nào thì sẽ phát tiếng kêu của chim đó để dẫn chúng đó bay lại. Tiếng chim từ máy phát thường là tiếng kêu cứu của đồng loại mới dụ được chim bay tới cứu giúp và sập bẫy", anh N.V.C, người tham gia bắt chim sẻ gần 1 năm cho biết.
Vì tin vào lời đồn thịt, tiết chim sẻ có tác dụng chữa bệnh, cường dương mà nhu cầu với loài này tại các nhà hàng, quán ăn rất lớn, lôi kéo một lượng đông đảo người đi săn chim sẻ để bán hàng ngày.
Chim sẽ bắt về là có người đến tận nhà thu mua, số lượng bao nhiêu họ cũng lấy hết. Anh N.H.N, ở quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, cho biết, anh sắm dụng cụ bắt chim sẻ chỉ mấy trăm ngàn đồng, nhưng trung bình một ngày bắt từ 150 đến 200 con chim sẻ, có ngày trúng tới gần 1.000 con. Chim bắt về thường bán lại cho các quán nhậu và nhà hàng, với giá 5.000 đồng/con. Trừ tiền xe cộ đi lại, anh kiếm được 500.000 đến 600.000 đồng.
Những người săn chim sẻ ở Hậu Giang thì cho biết, việc săn lùng chim với họ rất dễ dàng, và có rất nhiều cách khác nhau để bẫy chim. Cách họ thường làm là dùng keo hoặc lưới để bẫy cả đàn.
Ngoài những người săn chuyên nghiệp đang tận diệt chim sẻ, người không chuyên ở miệt vườn cũng dùng loại keo này để bắt các loài khác như chim cu, trao trảo, chim sâu, chim lá rụng, chim sắc…
Chỉ cần 10 phút là có chim đáp xuống dính bẫy.
Hiện giá chim trao trảo (sống) khoảng 8.000 đến 10.000 đồng/con, chim sâu 3.000 đồng…cũng được các quán nhậu tìm mua.
Không nhiều như chim sẻ, những người chuyên bắt trao trảo, chim sâu mỗi ngày cũng bẫy từ 20 đến 50 con, ngày nào nhiều thì cả trăm con.
Những tay săn chim chuyên nghiệp tiết lộ, họ thường tìm những vườn có trái cây chín để bẫy chim.
Ông L.V. T ở Phụng Hiệp, Hậu Giang, có 10 năm trong nghề bẫy chim lá rụng ở các ruộng mía, cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, chim hay về ruộng mía thành từng đàn hàng ngàn con. Những người bẫy chim đã dùng loại lưới dày và rộng rồi giăng trong ruộng mía để bắt cả đàn. Tuy giá loài chim này chỉ khoảng 2.000 -2.500 đồng/con, nhưng vì bẫy số lượng lớn nên có đêm họ bán cả vài triệu đồng.
Chính vì dễ kiếm tiền mà ngày càng nhiều người dân ở các vùng nông thôn miền Tây tìm mua đủ loại dụng cụ bắt chim theo kiểu tận diệt, xong không hề có bất cứ sự can thiệp nào của ngành chức năng.
Theo Zing.vn