Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), thực tế cho thấy CĐL trong sản xuất lúa bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá, các mô hình CĐL này vẫn chưa đủ lớn…
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Tính đến nay, mô hình CĐL tăng lên rõ rệt cả về số lượng và diện tích thực hiện ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết vụ lúa đông xuân năm 2015-2016, tổng diện tích CĐL của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 450.000ha.
Đa số nông hộ tham gia mô hình đều đánh giá, nhờ quy mô diện tích gieo sạ lớn nên thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Cụ thể, chi phí sản xuất trung bình giảm từ 10-15%/ha lúa nếu canh tác theo mô hình CĐL, đồng thời giá trị sản lượng có thể tăng 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha).
Tham gia CĐL nông dân có lợi nhuận tăng thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha (thu hoạch lúa ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang). Ảnh: Đức Khánh
Ngoài ra, khi tham gia vào CĐL, nông dân (ND) được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp (DN) liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi suất. Về phía các DN, có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, với chất lượng bảo đảm, tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển.
Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, mô hình liên kết sản xuất theo hướng CĐL vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các cơ chế chính sách có liên quan…
Theo đánh giá của ngành chức năng, vẫn có khoảng 20% ND chưa thực hiện đầy đủ hợp đồng bao tiêu, nhiều nơi chính quyền còn thờ ơ (nhất là ở cấp huyện trở xuống) khi tham gia vào quá trình xây dựng CĐL.
Nói về vấn đề này, ông Lê Minh Trượng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, thông tin: “Kinh phí đầu tư đầu vào các CĐL của DN không phải là nhỏ. Thế nhưng, khi có tác động về giá lúa tăng so với hợp đồng thì họ lại bán cho thương lái bên ngoài nên DN rất khó thu hồi vốn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông của nhiều vùng sản xuất chưa thuận lợi, làm gia tăng chi phí vận chuyển khiến giá thành đội lên (từ 200-300 đồng/kg lúa)”.
Ngoài ra, hiện tại có một nghịch lý là DN kinh doanh gạo nội địa có thương hiệu thì phải chịu thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) 5%, trong khi các nhà phân phối bán gạo lẻ thì không phải chịu thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng DN và ND khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà chủ yếu do vướng thủ tục hành chính.
Cần xây dựng hệ thống dự báo
“Trong xây dựng CĐL cần tăng cường công tác huấn luyện, tập huấn một cách thực tế để nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh, cũng như kiến thức về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người lao động, đặc biệt là ND” - ông Hà Minh Triều – Giám đốc Hợp tác xã Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) nêu ý kiến.
Khi tham gia vào CĐL, ND được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được DN liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi suất |
Nói về kết nối giữa DN và ND, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), cho rằng: Cần phải củng cố và phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác vì đây chính là cầu nối giữa ND và DN. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý…phục vụ cho việc đưa sản phẩm tham gia vào các kênh phân phối như: Siêu thị, trung tâm thương mại cho hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho rằng: Chúng ta cần xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về sản xuất và thị trường, thống nhất từ T.Ư đến địa phương để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân định hướng sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất về các nội dung quản lý nhà nước có liên quan trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tiêu chí CĐL để từng bước hoàn thiện và phát triển bền vững.
“Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tập thể; kiến nghị ngành ngân hàng có hướng hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho DN về vốn đầu tư sản xuất. Mặt khác, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tình trạng DN tham gia thực hiện CĐL theo kiểu hình thức” – Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]