TS Phạm Thế Anh - đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra cảnh báo lạm phát có thể tăng mạnh trong quý II tại buổi báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I của Viện này, chiều 11/4.
Theo VEPR, lạm phát bình quân quý I tăng 2,63% chủ yếu đến từ việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu. Bên cạnh đó, trong quý I, Việt Nam còn chịu một số cú sốc từ tăng giá điện và việc tăng giá xăng dầu của thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Thế Anh, áp lực lạm phát có độ trễ khoảng 3-4 tháng (cũng có khi kéo dài tới 1 năm).
Mặt khác, lạm phát quý I ở mức 2,63% là vừa phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của ngành nông nghiệp, đặc biệt giá thực phẩm như thịt lợn có thể sẽ tăng trong thời gian tới sau dịch tả lớn châu Phi.
Vị chuyên gia cho rằng trong quý II và các quý tiếp theo, áp lực lạm phát có thể sẽ tăng tương đối mạnh. Các động tới giá cả trong nước có thể kéo dài tới nhiều tháng tiếp theo. Đại diện VEPR khuyến nghị phải có sự điều hành thận trọng từ phía Ngân hàng Nhà nước đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.
Cùng với đó, đại diện nhóm nghiên cứu chỉ ra lạm phát tăng sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Chi phí đầu vào của nền sản suất sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lạm phát trong nền kinh tế tăng lên, lãi suất khó có khả năng giảm. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, lãi suất khó giảm sẽ "đánh" trực tiếp vào sực chịu đựng, làm giảm sức sản xuất của doanh nghiệp.
Dù thế, ông Thế Anh cho rằng nếu giá xăng dầu thế giới không tăng trong thời gian tới, lạm phát sẽ không quá sốc. Dự báo về tăng trưởng kinh tế của VEPR được đưa ra trên cơ sở trên.
"Chỉ số PMI chậm lại do đó, chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng quý II ở mức 6,32% thấp hơn 6,79% của quý I. Tuy nhiên tăng trưởng quý III, IV sẽ phục hồi", vị chuyên gia cho hay. Tăng trưởng GDP các quý III, IV lần lượt là 6,94% và 7,15%.
Theo VEPR, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ là 6,8%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra khả thi trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của Donald Trump..., tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn. Nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]