Sau khi báo NTNN phản ánh tình trạng người dân ở ĐBSCL mua bán ốc bươu vàng, Bộ NNPTNT đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi nhân nuôi, vận chuyển, phát tán loài gây hại này.
Tuy nhiên, hiện các điểm mua bán ốc bươu vàng ở ĐBSCL vẫn hoạt động nhộn nhịp…
Cách đây mấy tháng xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) là điểm thu gom đầu mối về ốc bươu vàng cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng, bao gồm Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Nhưng mấy ngày nay, thương lái ngừng thu mua, các hoạt động tạm lắng xuống.Trong ảnh: Vỏ ốc bươu vàng được chất thành cồn, đống cao bốc mùi hôi thối
Tấp nập buôn bán
Trong những ngày đầu tiên của tháng 11 này, chúng tôi tiến hành khảo sát các điểm thu mua ốc bươu vàng ở địa bàn xã Long Phú, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nơi có nhiều điểm thu mua ốc thuộc hàng nhất nhì ĐBSCL. Hiện tại hoạt động mua bán ốc bươu vàng vẫn diễn ra bình thường như trước đây. Một người dân cho biết, gần vào vụ đông xuân nên ốc được người dân bắt nhanh để xuống giống cho an toàn.
Hiện tại, giá ốc bươu thu mua tại các cơ sở dao động từ 13.000-14.000 đồng/kg, thời gian gần đây số lượng ốc được các chủ hàng đánh giá là không nhiều bằng so với 2 tháng trước. Tại cơ sở thu mua ốc Mai Hy ở Long Phú, chúng tôi ghi nhận vào thời điểm từ 11-13 giờ, thì việc mua bán ốc là sôi nổi nhất, người dân đến bán từ sử dụng xe trên bờ đến chèo xuồng cập bến sông.
Chủ cơ sở cho biết: “Hiện tại, người dân đến bán khá nhiều, trung bình mỗi người từ 5 - 6kg ốc thịt”.
Ông Mai Quốc Sử - chủ cơ sở thu mua ốc bươu Tám Ốc cho biết: “Lúc trước, cỡ từ giữa tháng 10 trở lại, mỗi ngày cơ sở tôi thu mua tới 7-8 tấn ốc, nhưng hiện tại chỉ thu gom được 2-3 tấn”.
Ông Sử tiết lộ: Sau khi cơ sở thu mua ốc xong thì sẽ chuyển lên cảng Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) để bán. Tại đây, có một cơ sở thu mua ốc bươu vàng của một người Việt gốc Trung Quốc. Trong hợp đồng mua bán có nêu rõ điều kiện cho hai bên, trong đó có điều lệ buộc người đến bán cam kết không tiết lộ tên người, hay cơ sở thu mua ốc này…
Khi được hỏi có nghe chính quyền vận động, tuyên truyền nào về ốc bươu không thì ông Sử trả lời: “Chúng tôi cũng được chính quyền tuyên truyền về việc nghiêm cấm nuôi ốc, thiệt thì không ai dám nuôi ốc đâu, để tự nhiên còn bắt không hết mà. Hiện tại thì cơ sở hoạt động mua bán diễn ra bình thường, chỉ nhận mua ốc đã lể lấy thịt”.
Vận chuyển bí mật
Ông Phạm Văn Dũng - chủ một cơ sở thu mua ốc tại xã Long Phú cho biết: “Lúc trước, tui chỉ mua bán ốc bươu đen còn vỏ, tui bán tại Công ty Phú Thạnh ở TP.HCM. Nhưng từ khi người Trung Quốc sang thu mua ốc bươu vàng thì tui chuyển sang thu mua ốc này và bán cho một cơ sở thu mua trên TP.HCM, tui chỉ biết đó là kho đông lạnh, mà không rõ cơ sở đó của ai”.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho hay: “Việc mua bán ốc bươu thời gian gần đây chán lắm, hay bị họ trả về vì chê ốc nhỏ. Ông Dũng cho biết thường thì số lượng ốc thu mua đạt khoảng 3 tấn trở lên (thu mua khoảng 2 ngày) thì xe tải của nhà ông vận chuyển lên nơi thu mua ốc ở TP.HCM.
Ông Trần Văn Bé ở ấp Tân Bình 2 bày tỏ: “Thường chúng tôi đi bắt ốc bằng xẹp. Mất 2 ngày vợ chồng tui mới bắt được 6kg đem bán, phải thức đêm thức hôm cũng vất vả lắm. Già rồi và nhà nghèo, không có việc bắt ốc này, chúng tôi cũng không biết làm gì”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Việt - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ cho biết: “Ở địa bàn vừa triển khai thực hiện chỉ thị của Sở NNPTNT về việc nghiêm cấm gây nuôi ốc bươu vàng, đến nay đã có báo cáo hoàn chỉnh”.
Ông Trương Tài Phí - Phó Chủ tịch xã Long Phú cho biết: “Nông dân ở đây chỉ bắt ốc có sẵn ở ruộng nhà mình, có bao nhiêu bắt bấy nhiêu, không có việc gây nuôi. Mua bán ốc tuy đem lại thu nhập cho người dân, song cái khó là không biết được thương lái thu mua nhằm mục đích gì nên tuy để cho người dân bắt bán nhưng vẫn có kế hoạch kiểm soát, quản lý việc thu gom ốc. Đến nay xã đã hoàn thành việc tuyên truyền bà con không gây nuôi ốc bươu vàng”.
Theo GS - TS Nguyễn Bảo Vệ - giảng viên chính bộ môn Khoa học cây trồng, Trường ĐH Cần Thơ:
“Ốc bươu vàng là loài có sự phát triển về số lượng và sinh khối rất nhanh. Nếu giữ lại ốc con đến lớn để lấy thịt thì rất nguy hại cho lúa. Nếu nuôi ốc với mục tiêu lấy thịt thì cần có biện pháp, kế hoạch cụ thể để những con ốc bươu vàng không sinh sôi ngoài tầm kiểm soát.
ĐBSCL mỗi năm trồng hàng triệu ha lúa, mỗi ha phải cần đến vài trăm ngàn tiền thuốc để diệt ốc bươu vàng. Đó là còn chưa kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước khi sử dụng thuốc diệt ốc. Vì vậy, khi không thể kiểm soát được sự sinh sôi của loài ốc bươu vàng này thì không nên nuôi”.
Ngày 2.11, ông Lê Văn Đời- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết:
Ngay sau khi có công văn của Tổng cục Thủy sản về tăng cường kiểm tra giám sát, cấm nuôi ốc bươu vàng, ngành nông nghiệp tỉnh đã thông tin ngay nội dung chỉ đạo cho các địa phương, đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý không để xảy ra tình trạng nuôi, phát tán ốc bươu vàng.
Hiện nay bà con nông dân đang chuẩn bị cho vụ đông xuân, nên việc tăng cường thu gom ốc bươu vàng là một việc làm tích cực, chuẩn bị cho mùa vụ mới... Ngành nông nghiệp tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nuôi hay phát tán ốc bươu vàng. (Hồng Cẩm)
Theo Chúc Ly - Mỹ Tiên - Dân Việt
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]