Giá thực phẩm sẵn ở Singapore đang tăng. (Nguồn: rgbimg.com)
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tăng 0,6% so với cùng ki năm ngoái, thấp hơn mức tăng 0,9% của tháng 8 và 1,2% của tháng 7. Phí phương tiện giao thông đường bộ cá nhân tiếp tục giảm 2,8%, sau khi giảm 2,9% hồi tháng 8.
Tuyên bố chung của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) cho hay lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng giảm xuống còn 1,7% trong tháng 9 từ mức 2,1% của tháng 8, chủ yếu do phí y tế giảm nhờ các chương trình trợ cấp y tế của chính phủ, trong đó có chương trình hỗ trợ Thế hệ Tiền phong (người già).
Trong khi đó, lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm lại tăng 3%, do giá đồ ăn sẵn tăng.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản (loại trừ các mặt hàng có biến động giá bất thường) tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 2,1% của tháng 8.
Theo MAS, dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục giảm đến hết năm nay. Tuy nhiên, lạm phát trong lĩnh vực thực phẩm có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do mức giá cao của các nhà cung ứng thực phẩm trong khu vực. Ngoài ra, áp lực lương cũng tiếp tục làm tăng giá, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.
MAS cũng điều chỉnh mức dự đoán lạm phát đối với tất cả các mặt hàng CPI xuống còn từ 1-1,5% trong năm nay, thay vì 1,5-2% như trước đó. Lạm phát cơ bản dự kiến là 2-2,5%, giảm so với dự đoán trước đây là 2-3%./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]