Phương pháp tưới nhỏ giọt tuy không mới, nhưng ở Tây Ninh, ông Huỳnh Biển Chiêu là một trong những người tiên phong áp dụng cho mãng cầu (na). Thu hoạch vụ đầu tiên, kỹ thuật này giúp ông tiết kiệm được nhiều chi phí đồng thời tăng sản lượng lên 40% so với tưới dải ở các vụ trước.
Mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật
Ông Huỳnh Biển Chiêu (ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh) là người đầu tiên ở xã nhà được cấp chứng nhận mô hình sản xuất VietGAP. Ông cũng là người tiên phong áp dụng biện pháp bao trái mãng cầu để phòng trừ sâu bệnh.
Ông Chiêu so sánh hệ thống tưới thấm với tưới dải (ống đứng). Ảnh: N.V
Ông Hà Chí Mãng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh) cho biết: “Ông Chiêu luôn có nhiều nỗ lực học hỏi và mạnh dạn áp dụng tiến bộ trong canh tác. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt của ông tuy chưa hoàn thiện nhưng cũng là nỗ lực đáng ghi nhận”. |
Từ cuối mùa khô 2016, ông đã áp dụng mô hình tưới thấm tự chế cho vườn mãng cầu 1,5ha của mình. Vừa kết thúc vụ thu hoạch đầu tiên, ông cho biết bước đầu áp dụng phương pháp này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Trước đây, để tưới cho 1,5ha này, ông phải dùng hệ thống tưới dải với mô-tơ bơm nước loại 2 ngựa (1 ngựa = 0,74kW), tưới từ 20 - 25 giờ, mỗi giờ tốn 2kWh điện. Trong mỗi giờ tưới, lượng nước bị chồng lấn, gây thất thoát và lãng phí.
Một đường ống nhựa PV phi 27 được ông bắt dọc theo các gốc cây. Cạnh mỗi gốc, ông Chiêu đục 2 lỗ thoát nước. Với cách tưới thấm xuống từng gốc, ông Chiêu chỉ dùng loại mô-tơ 1,2 ngựa, tưới 6 – 8 giờ (2 ngày tưới một lần), mỗi giờ chỉ tốn 1 kWh điện nhưng lượng nước được kiểm soát và tiết kiệm hơn.
Cũng theo cách này, ông Chiêu hòa tan phân bón vào trong dòng nước. Phân sẽ thấm xuống trực tiếp mà không sợ bốc hơi hoặc tan loãng do nước mưa. Nước và phân không bị phân tán nên cỏ dại cũng được hạn chế.
“Chi phí lắp đặt hệ thống tưới này bình quân 16 triệu đồng/ha, trong khi hệ thống cũ tốn hơn 20 triệu đồng. Gần 4 năm làm VietGAP, chưa vụ nào tôi đạt được sản lượng lớn như thế”- ông hồ hởi cho biết. Sau thành công vụ đầu, ông Chiêu đang áp dụng đại trà mô hình tưới thấm cho cả 4ha còn lại, đồng thời sẵn sàng chia sẻ lại kinh nghiệm cho người khác.
Chữ tâm của người làm vườn
Hiệu quả như thế nhưng theo ông Chiêu, cái tâm của người làm vườn cho ra sản phẩm sạch mới là yếu tố hàng đầu: “Để người ta ăn một trái rồi muốn ăn thêm trái nữa đã khó, giữ được chữ tín lâu bền cho thương hiệu còn khó hơn”.
Theo ông Chiêu, từ khi mãng cầu Bà Đen được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và chứng nhận VietGAP lần 2, sản phẩm của người dân đã được biết đến nhiều hơn cả trong và ngoài nước. Nhưng xu hướng đảm bảo an toàn thực phẩm đóng vai trò ngày càng quan trọng mà nông dân thực hành tiêu chuẩn GAP lại không nhiều.
Chia sẻ điều này, nông dân Lê Văn Được ở ấp Thạnh Lợi (xã Thạnh Tân) cho biết mãng cầu Bà Đen tuy đã có nhãn hiệu tập thể, có chỗ đứng trên thị trường nhưng vẫn chưa thực sự bền vững, các kỹ thuật mới chưa được ứng dụng một cách đồng bộ, giá cả thường không ổn định mà chi phí thực hiện GAP lại khá cao. Đơn cử như việc bọc trái để chống ruồi vàng. Anh Được kể có nhiều nông dân biết nhưng họ không làm. Bình quân, mỗi tấn mãng cầu được bao trái tốn thêm 4 – 5 triệu đồng đầu tư, trong khi giá bán vẫn bằng với mãng cầu không được bao trái...
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]