Từ gia cảnh khó khăn, phải đi làm thuê mưu sinh ở xứ người, ông Thạch ở Thanh Hóa đã vươn lên bằng nghề trồng nấm. Trang trại của ông cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Trưa cuối tháng 10, ông Lê Duy Thạch (49 tuổi) loay hoay với công việc hướng dẫn nhóm lao động vừa xin làm việc tại trang trại nấm của gia đình ở thôn Thái, xã Quảng Thọ (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Ông cho biết, công việc ở trang trại ngày một nhiều thêm, gia đình làm không xuể nên phải thuê người làm.
“Trước nơi đây là vùng đất hoang sơ, không có gì. Tôi liều mình mở trang trại nấm nên mới có người ra vào đông vui thế này”, ông Thạch hóm hỉnh.
Chủ trang trại kể gia đình trước kia nghèo khó, công việc không ổn định. Ông đã từng làm thuê ở các xưởng gốm trong Bình Dương hàng chục trăm.
Ông Lê Duy Thạch bên trại nấm của gia đình. Ảnh: Nguyễn Dương.
Cách đây 3 năm, ông được biết đến nhiều mô hình trang trại nuôi nấm cho hiệu quả cao ở Đồng Nai. Mô hình đầu tư chi phí ít nhưng lại cho hiệu quả thu nhập ổn định. Ngay lập tức, trong đầu ông lóe lên suy nghĩ sẽ lập nghiệp từ nghề này.
Nghĩ là làm, ông bỏ hết công việc tìm đến các trang trại để vừa làm giúp cho gia đình chủ, vừa tích cực học nghề. Nửa tháng sau, ông quyết định trở về quê hương mở trang trại.
Cùng thời gian này, thôn có hơn 5.000 m2 đất hoang, cằn cỗi không thể canh tác. Ông Thạch ngay sau đó thuê lại mảnh đất này để làm ăn.
“Mảnh đất này gồ ghề, trồng cây không hiệu quả. Tôi thuê máy múc san phẳng, hạ thấp mặt bằng 1 m. Sau đó, tôi bàn với vợ chạy vạy vay mượn 500 triệu để mua giống, nguyên vật liệu...”, ông Thạch kể.
Ngoài làm giàu, ông Thạch còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Dương.
Trang trại ông được trồng bài bản các loại nấm mèo, mộc nhĩ, sò nâu, sò trắng, nấm kim húc... Trong quá trình nuôi, ông vẫn tích cực xem báo đài, đi thực tế học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi.
Chỉ trong năm đầu, mô hình này đã cho hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm của ông được nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh đến tiêu thụ.
Ông cho biết, mỗi ngày thu hoạch được 70 – 80 kg nấm các loại, bán ra thị trường với giá 20.000/kg. Chưa kể đến mộc nhĩ được ông cho sản xuất nhiều vì có giá thành cao 80.000/kg.
“Những tháng cuối năm cận Tết, riêng mộc nhĩ cho thu lãi hơn 100 triệu/mỗi tháng”, ông Thạch cho hay mỗi năm không có gì thay đổi, trừ các chi phí, trại nấm cho thu về 500 - 600 triệu đồng.
Theo ông, trồng nấm dễ gặp nhiều rủi ro nên từ công đoạn làm nguyên liệu đến thu hoạch phải đảm bảo đúng kỹ thuật.
“Các công việc xử lý mùn cưa trộn vôi, cho vào bịch nilon rồi trộn cám, bột ngô.... phải đảm bảo đúng tỷ lệ. Một tháng sau khi treo dàn phải theo dõi để rạch bịch cho nấm mọc ra. Luôn phải theo dõi thời tiết để điều chỉnh độ ẩm cho nấm. Những ngày thu hoạch có thể cả đêm cho kịp thời vụ. Vất vả nhưng phải đảm bảo thì mới thu lãi được”, chủ trang trại vui vẻ nói.
Mỗi ngày, trang trại của ông Thạch thu hoạch trung bình 70-80 kg nấm. Ảnh: Nguyễn Dương.
Vì công việc nhiều và dự định sắp tới sẽ mở rộng trang trại nên gia đình ông thường thuê mỗi ngày 8-10 lao động. Ngày cao điểm lên đến 15 người. Công việc chủ yếu của họ là đóng bịch, vào lò, ra lò, vào giống. Với một ngày công, ông trả cho họ 100 – 120.000 đồng.
Ông Đới Sỹ Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thọ, cho biết trang trại nấm của ông Thạch phát triển nhanh, sản phẩm được nhiều cơ sở ưa chuộng.
"Mô hình trại nấm của ông Thạch cho thu nhập cao. Ông Thạch là tấm gương sáng trong xã về vượt khó làm giàu. Điều đáng quý hơn, ông đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương", ông Hòa nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]