Vài năm trở lại đây, thương lái khắp nơi đổ về các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… để thu mua hạt cây bo bo (theo cách gọi của dân địa phương) rồi xuất qua Trung Quốc. Thấy được giá, bà con đua nhau vào rừng khai thác, khi nguồn lợi tự nhiên cạn dần, thì họ bắt đầu nhân rộng diện tích bằng cách trồng mới cây bo bo...
Theo ông Dềnh Bá Lồng, Phó chủ tịch xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), thân cây bo bo khá giống cây riềng, sống dưới các tán rừng ẩm thấp.
Cây có rễ chùm, thân mềm, mọng nước, mỗi năm ra quả một vụ, thu hoạch hạt đại trà vào tháng 7- 8 dương lịch. Sau khi tách quả lấy hạt thì thực hiện cắt cành nhánh để vụ sau cây mọc ra cành nhánh mới.
Theo bà con địa phương, cây bo bo rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, giá cả lại cao nên đồng bào rất thích. Ngoài diện tích mọc tự nhiên trong các cánh rừng thì người dân nơi đây còn trồng thêm hàng chục ha.
Được biết, hạt bo bo có giá dao động từ 30.000 – 40.000 đ/kg, vào thời điểm khan hiếm có thể tăng lên 60.000 đ/kg. Hàng năm, bà con toàn xã Huồi Tụ có thể thu được khoảng 1 tỉ đồng từ việc khai thác hạt bo bo bán cho các thương lái.
Xã Tây Sơn và Bảo Nam (đều thuộc huyện Kỳ Sơn) có địa hình đồi núi dốc, ẩm thấp nhờ có nhiều những cánh rừng nguyên sinh, đây được xem là điều kiện sống cực kỳ ưa thích của cây bo bo. Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi loại cây này đang phát triển rất nhanh ở khu vực này.
Do trước kia người dân tự vào rừng thu hoạch, mạnh ai người nấy làm nên xảy ra tình trạng chất lượng hạt không cao, nhiều khi bị tiểu thương ép giá. Từ khi huyện có chủ trương giao đất, khoán rừng, các hộ dân có trách nhiệm hơn trong việc trồng và bảo vệ cây bo bo. Từ đó, sản lượng ngày càng tăng, giá cả và chất lượng cũng nhờ thế mà khá hơn.
Trong năm 2013, xã Tây Sơn thu được gần 40 tấn hạt bo bo, tính trung bình mỗi hộ có thu nhập khoảng 10 triệu đ. Những gia đình có nhiều diện tích thì mức thu cao hơn, tiêu biểu như gia đình anh Vừ Xái Chù ở bản Huồi Giảng 3 (28 triệu đ); Vừ Tồng Xanh ở bản Huồi Giảng 1 (25 triệu đ)…
Theo những người dân bản địa, cứ đến mùa thu hoạch là thương lái từ khắp nơi lại đổ về các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Tây Sơn, Bảo Nam… của huyện Kỳ Sơn để tìm mua hạt bo bo rồi chuyển về các đầu mối ở Diễn Châu, TP. Vinh, sơ chế trước khi xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đáng nói là người dân chỉ biết trồng rồi bán chứ không hề biết công dụng, chức năng của loại cây này ra sao. Đáng ngại hơn là chính quyền các cấp cũng hoàn toàn mù tịt về loài cây này. Trao đổi với PV, ông Trương Minh Châu – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN- PTNT Nghệ An quả quyết: “Các địa phương chưa có báo cáo nên chúng tôi cũng không biết cây bo bo là cây gì, trồng theo hình thức ra sao”.
Bởi vậy, nếu bà con các xã thuộc huyện Kỳ Sơn tiếp tục mở rộng diện tích cây bo bo ồ ạt theo hướng tự phát như hiện nay, chẳng ai dám chắc sau này giá cả và đầu ra có được như hiện nay nữa không?.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]