Phi công (70 - 80 triệu đồng)
Theo bảng lương 5 năm từ 2008 đến 2013 được Vietnam Airlines (VNA) công bố gần đây nhất, mức lương năm 2013 của phi công bình quân đạt 74,8 triệu đồng/tháng. Mức này đã giảm 4,5 triệu đồng so với năm 2012, và 6,7 triệu đồng so với năm 2011.
Mức lương 70-80 triệu VNĐ/ tháng của phi công khiến nhiều người ao ước.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, mức lương nói trên của nghề phi công cho VNA vẫn là con số đáng mơ ước với nhiều người. Nhưng theo ý kiến của nhiều người, mức lương "khủng" nói trên tương xứng với áp lực, khối lượng và tính chất của công việc điều khiển máy bay.
Lương tháng của phi công và tiếp viên Vietnam Airlines.
Không những phải đối mặt với áp lực của người "nắm giữ" tính mạng của hàng trăm hành khách, phi công còn là nghề đầy rủi ro, yêu cầu độ tập trung, trình độ cao. Trước đó, họ phải trải qua một quá trình khá dài và khắc nghiệt để rèn luyện nghề.
Tiếp viên hàng không (18-19 triệu đồng)
Tại Việt Nam hiếm có nghề nào không đòi hỏi bằng cấp, mà lương cao và nhận được sự ngưỡng mộ như nghề tiếp viên hàng không. Thu nhập bình quân của tiếp viên hàng không luôn gây sự tò mò của mọi người. Theo đó, mức lương 18-19 triệu/tháng của tiếp viên hàng không đã khiến đông đảo người lao động thèm muốn.
Nhiều người ví nghề tiếp viên hàng không với nghề "ngồi mát ăn bát vàng".
Ngoài ra, một khoản lợi nhuận không nhỏ mang đặc thù của ngành này cũng được tiếp viên hàng không tận dụng triệt để, đó là khoản lợi nhuận sản sinh từ việc buôn bán hợp pháp các loại hàng hóa xách tay. Tuy nhiên, nghề tiếp viên không hào nhoáng như nhiều người vẫn tưởng, mà khá vất vả và phải làm việc xa nhà, không cố định giờ giấc. Bù lại, cơ hội thăng tiến của nghề này tương đối nhanh.
Nhân viên dầu khí (16,2 triệu đồng)
Thu nhập bình quân của nhân viên PetroVietnam là 16,2 triệu đồng mỗi tháng (Ảnh minh họa).
Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2011, thu nhập bình quân của nhân viên PetroVietnam là 16,2 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất trong số 17 tổng công ty và tập đoàn của Nhà nước. Và cho đến nay mức thu nhập này vẫn luôn cao và dầu khí luôn là một nghề "hot".
Kiểm soát viên không lưu (15 - 20 triệu đồng)
Công việc căng thẳng, chương trình đào tạo phức tạp và kéo dài khiến không ít người nản lòng ngay khi chưa bắt đầu "nhậm chức". Tiếng Anh cũng là một môn cực kỳ quan trọng, khi các Kiểm soát không lưu thông báo với phi công.
Kiểm soát viên không lưu có mức lương khủng từ 15 - 20 triệu đồng/ tháng.
Tính chất công việc căng thẳng, các kiểm soát viên không lưu phải liên tục quan sát trên máy, nhìn vào lịch trình rồi sắp xếp các chuyến bay. Đôi khi sẽ xảy ra những tình huống bất ngờ và nguy hiểm, bạn cần phải có "tinh thần thép" để giữ được sự bình tĩnh mà xử lý.
Bù lại mức lương của nghề này tương đối cao so với các công việc khác. Hiện một kiểm soát viên không lưu có thể nhận được khoảng 15 triệu/tháng, và còn nhiều đãi ngộ đi kèm.
CEO khách sạn cao cấp (210 - 320 triệu đồng)
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện trong nước có khoảng 5.000 khách sạn 3-5 sao nhưng hầu hết các khách sạn đình đám nhất, nằm ở vị trí đẹp nhất đều phải thuê công ty nước ngoài quản lý.
Với 10.000-15.000 USD/tháng (tương đương 210-320 triệu đồng/tháng) là mức lương trung bình của CEO người nước ngoài của một khách sạn cao cấp tại Việt Nam.
Lãnh đạo ngân hàng (trên 100 triệu đồng)
Đã có một khảo sát về tình hình lương của các CEO ngân hàng, trong đó “khủng” nhất là lương của một CEO ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong top 10 tới 1 triệu USD/năm, tức hơn 20 tỷ đồng. Một số CEO ở các ngân hàng lớn hưởng lương từ 4,8 – 7 tỷ đồng/năm, còn các CEO khác cũng thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm.
Và có Tổng giám đốc ngân hàng lương 6 – 7 tỷ đồng/năm là chia sẻ của một sếp ngân hàng ở TP HCM khi cổ đông chất vấn về mức thù lao của Hội đồng quản trị tại ĐHCĐ thường niên 2014 của ngân hàng này tổ chức mới đây.
Quản lý nhân sự, dịch vụ tài chính kỹ thuật
Mức lương được trả cao nhất hiện nay thuộc về doanh nghiệp hoạt động tại TP HCM, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cho vị trí giám đốc kinh doanh với mức lương 161 triệu đồng/tháng. Còn tại Hà Nội, mức lương cao nhất được dành cho vị trí giám đốc nhân sự của một tập đoàn sản xuất, với mức 147 triệu đồng/tháng. 3 lĩnh vực được trả lương cao nhất trong quý II/2013 bao gồm: dịch vụ tài chính - kỹ thuật, bán hàng và tiếp thị.
Riêng tại TP HCM, lĩnh vực bán hàng và tiếp thị được trả lương cao nhất. Ngoài ra, dựa theo Bảng thống kê mức lương/tháng tại từng vị trí trong ngành nhân sự dựa theo Salary Guide 2014 (Cẩm nang lương bổng 2014) của tập đoàn Adecco cho thấy nhân sự đang là một những nghề có tiềm năng lương "khủng" ở Việt Nam.
Bảng thống kê mức lương/tháng tại từng vị trí trong ngành nhân sự dựa theo Salary Guide 2014 (Cẩm nang lương bổng 2014) của Tập đoàn Adecco.
Hiện nay, một sinh viên mới ra trường làm ngành nhân sự có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, cấp trưởng phòng được trả hơn 1.000 USD/tháng và các vị trí giám đốc nhân sự có thể có thu nhập từ 2.500 đến 3.000 USD/tháng.
Thậm chí những tập đoàn lớn của nước ngoài đang trả lương 4.000 USD/tháng cho vị trí này tại Việt Nam. Điều này cho thấy, nghề nhân sự đã xác lập được vị trí quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]