Đồng Nai: Giá hạt ca cao tăng
Hiện mặt hàng ca cao đang rộ mùa thu hoạch nhưng giá thu mua vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, trái ca cao tươi mua tại vườn có giá từ 5.000 - 5.200 đồng/kg, giữ giá so với đầu vụ và tăng khoảng 2 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt ca cao khô có giá đến 70 ngàn đồng/kg, tăng trên 10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ và tăng khoảng 5 ngàn đồng/kg so với đầu vụ. Giá ca cao liên tục tăng lên mức giá mới do ảnh hưởng thị trường thế giới cung nhỏ hơn cầu. Riêng ở Đồng Nai, vì nhiều nguyên nhân, sản lượng thu hoạch ca cao giảm từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xoài nghịch vụ liên tục tăng giá
Càng tới thời điểm gần tết, giá các loại xoài nghịch vụ liên tục tăng cao. Cụ thể xoài cát Hòa Lộc loại I, thời điểm hiện tại được thương lái thu mua tại vườn với mức giá cao ngất ngưởng, 80.000đ/kg, xoài cát Chu loại I giá 30.000đ/kg và xoài Đài Loan giá 40.000đ/kg. Theo các thương lái, tuy hiện nay giá xoài tăng cao kỷ lục nhưng số lượng không đủ đáp ứng thị trường. Lý do năm nay nông dân trồng xoài nghịch vụ năng suất thấp, bị ảnh hưởng thời tiết, kèm theo diễn biến sâu bệnh phức tạp làm cho nhiều nhà vườn xử lý ra hoa không đạt như mọi năm. Hiện tại, ở 2 khu vực trồng xoài trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp là huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh đang đứt lứa nên giá xoài liên tục tăng. Diện tích trồng xoài ở Đồng Tháp hiện có gần 10.000ha, năng suất bình quân từ 20-23 tấn/ha/năm. 2 giống chủ lực là xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc.
Hàm Yên: chè búp khô từ 150.000 - 170.000 đồng/kg
Ngoài thương hiệu cam sành huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), từ bao đời nay, cây chè cũng luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây. Người trồng chè ở Hàm Yên giờ đây không những đã thoát nghèo mà còn làm giàu từ loại cây này bằng cách làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng.
Chè búp khô với giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Diện tích trồng chè lớn nhất của huyện Hàm Yên phải kế đến xã Tân Thành , cũng là xã đầu tiên thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap của huyện. Mô hình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn ViepGap do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh và huyện Hàm Yên thực hiện từ đầu năm 2013 với diện tích 5 ha chè của dự án và 8 ha chè vệ tinh. Từ khi thực hiện sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, người trồng chè đã thu được kết quả khả quan, chất lượng, giá trị sản phẩm chè cũng như thu nhập của người dân được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.
Trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap lợi nhuận 24 - 25 triệu đồng/ha
Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap sau 2 năm thực hiện, với diện tích 102 ha tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Tại hội thảo, ông Thạch Ren đại diện cho 118 hộ nông dân tham gia mô hình, cho biết, sau 2 năm tham gia mô hình với 6 vụ sản xuất lúa, nông dân đã ứng dụng khá thành thạo khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ canh tác cây lúa theo truyền thống, nông dân biết sử dụng giống lúa xác nhận, cách sạ hàng và sạ thưa, sử dụng phân hữu cơ sinh học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng thời điểm… Quan trọng hơn là nông dân đã ý thức tốt việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tiết kiệm được nhiều chi phí về lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất lúa vẫn đạt bình quân 7 tấn/ha. Lúa làm ra được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Nhờ đó, nông dân đạt lợi nhuận từ 24 – 25 triệu đồng/ha/vụ, tính với giá lúa 5.700 đồng/kg.
Bắc Giang: Trồng cây có múi cho giá trị cao
Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lâu nay nổi tiếng khắp cả nước là “vương quốc” vải thiều với sản lượng hàng trăm nghìn tấn và doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều hộ ở huyện miền núi này đã mạnh dạn chặt bỏ diện tích trồng vải, hồng, lúa kém hiệu quả chuyển hướng trồng cam đường canh, cam Vinh, bưởi diễn, bưởi da xanh (gọi chung là cây có múi) mang lại thu nhập cao. Nhiều "lão nông" trở thành tỷ phú nhờ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng này.
Giống cam Vinh bắt đầu chín vào tháng 9, thời gian thu hoạch kéo dài đến hết tháng 11 âm lịch. Với giá bình quân 30.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái, thương nhân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thu mua tại vườn.
Mặc dù không được mùa so với năm ngoái, song những người chuyên canh cây có múi vẫn có được vụ mùa thành công do giá tăng cao. Hiện, nhiều thương lái đã “ôm” tiền mua cả vườn cam đường canh để tiêu thụ Tết Nguyên đán Ất Mùi với mức giá 60.000 đồng/kg. Dự kiến, năm 2014, sản lượng cam Vinh trên địa bàn toàn huyện đạt 1.475 tấn, giá trị 44 tỷ đồng; bưởi diễn và bưởi da xanh với diện tích khoảng 200ha sẽ mang lại cho huyện nguồn thu gần 100 tỷ. Trong khi đó, sản lượng cam đường canh ước đạt 6.134 tấn (tăng hơn 3.500 tấn so với vụ trước), giá trị ước đạt 276 tỷ đồng.
Điều đáng nói là cây trồng có múi mới bén rễ trên vùng đất Lục Ngạn 10 năm gần đây nhưng diện tích không ngừng được mở rộng. Đến nay, diện tích trồng cam đường canh trên toàn địa bàn huyện đã được mở rộng lên 541 ha, cam Vinh khoảng 286 ha, bưởi diễn và bưởi da xanh khoảng 200ha.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]