Những khách hàng lớn
Năm 2013, theo thống kê của ngành ngân hàng Quảng Bình, cơn bão số 10 đi qua đã gây thiệt hại cho tỉnh hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Quảng Bình đã thiệt hại 270 tỷ đồng, khả năng trả được nợ của khách rất thấp.
Theo quy định, các khoản vay thiên tai không có tài sản đảm bảo thì mỗi hộ dân được vay không quá 50 triệu đồng, các trang trại sản xuất không quá 500 triệu đồng. Điều này là thách thức không nhỏ khi ngân hàng tiếp tục theo đuổi ngành tôm.
Tuy vậy, xét góc độ khác thì ở một số tỉnh nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế hiện nay, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng vẫn là một thị trường đầu tư tài chính tiềm năng; các trang trại và doanh nghiệp thủy sản ngành tôm vẫn là những khách hàng lớn.
Ngân hàng NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: Từ tháng 5/2010 đến nay đã giải ngân hơn 7.600 tỷ đồng, đứng thứ 2 so với các tỉnh ĐBSCL, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,8%. Trong đó, nguồn vốn cho vay theo Nghị định 41 của Chính phủ có tổng dư nợ là 2.670 tỷ đồng, chiếm 33,67%. Đối với lĩnh vực nuôi tôm từ năm 2007 đến nay, ngân hàng đã giải ngân hơn 4.100 tỷ đồng.
Vẫn tiếp tục
Theo Quyết định 540/QĐ-TTg mới nhất về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm, cá tra thì những khoản nợ quá hạn tính đến 31/12/2013 sẽ được khoanh nợ, nghĩa là người vay không phải trả lãi, đồng thời có thể vay vốn kinh doanh tiếp. Các ngân hàng chắc chắn sẽ có động thái tích cực hơn với khách hàng là doanh nghiệp, trang trại nuôi tôm. Từ đầu năm đến nay diện tích nuôi trồng giảm 2 - 10%, có phần do thiếu vốn nghiêm trọng.
Ngành tôm Việt Nam, sau bệnh dịch tôm chết sớm đang đứng trước cơ hội, thách thức về việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, quy trình, con giống. Để tránh rủi ro, thất bại, tiến đến nuôi trồng bền vững, không thể không cần nguồn vốn mới. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho tôm sẽ là bao nhiêu vẫn chưa biết, bởi từ chủ trương cho vay mới đến việc các ngân hàng mở hầu bao còn phụ thuộc độ an toàn trong nuôi trồng và kinh doanh của ngành tôm.
Cách mạng về vốn
Đơn cử tỉnh Bạc Liêu, đến cuối năm ngoái, toàn tỉnh 24.290 hộ nuôi tôm có dư nợ tại các ngân hàng thương mại; các ngân hàng thương mại thì đã cho vay hơn 560 tỷ đồng. Nếu ngân hàng ngừng hay hạn chế cho vay, chắc chắc hàng chục ngàn hộ sẽ phải bỏ nghề tôm hoặc trở thành con nợ tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.
Nhìn ở phương diện khác thì với việc giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng hiện cũng rơi vào tình trạng biến động cung cầu.
Tại Cà Mau, đến cuối quý I/2014, huy động vốn giảm 4,8%, dư nợ tín dụng ngân hàng giảm 1,4% so đầu năm 2014. Các gói tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi ngắn hạn, chỉ 3 - 6 tháng, tác động không lớn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và trang trại cần nguồn vốn giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Với việc cơ cấu lại ngành tôm, rất cần nguồn vốn trung và dài hạn. Với chủ trương giãn nợ và cho vay mới, chắc chắn sẽ thúc đẩy người dân tiếp cận vốn ngân hàng.
Tuy vậy, với ngân hàng thương mại, vấn đề còn ở việc huy động vốn đến đâu? Việc giảm lãi suất huy động rõ ràng có ảnh hưởng đến việc huy động vốn; trước mắt việc huy động vốn gặp khó hơn trước. Xét về lâu về dài, việc giảm lãi suất sẽ giúp được nhiều người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh, khi ngành tôm giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, từ đó sẽ đạt lợi nhuận cao và bền vững, tránh được thua lỗ và giảm nợ xấu.
Bổ sung nguồn vốn mới với lãi suất thấp vào ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung chắc chắn là một động thái tích cực, trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt.
Lợi nhuận ngành tôm phụ thuộc việc giảm giá thành nuôi trồng, chế biến và tìm được những giải pháp mới để nuôi trồng và xuất khẩu bền vững, giảm thiểu rủi ro. Quá trình này cần sự sát cánh của các ngân hàng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]