80% cao su xuất thô
Theo dự báo của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), năm 2014 xuất khẩu cao su nguyên liệu cả nước ước đạt 1 triệu tấn (giảm khoảng 7-10%), kim ngạch 1,8-2 tỷ USD (giảm mạnh 25-30%) so với năm 2013. Nguyên nhân do giá cao su sẽ tiếp tục đà giảm trong dài hạn, thời điểm hiện nay giá cao su xuất khẩu khoảng 1.871USD/tấn (40 triệu đồng/tấn), giảm 59% so với đỉnh điểm năm 2011.
6 thị trường chính chiếm 85% sản lượng xuất khẩu cao su Việt Nam là Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Trong đó, thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2014 vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 40% sản lượng (giảm so với mức 45% năm 2013). Giao dịch mua bán cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su sơ chế hiện nay chủ yếu thông qua thỏa thuận và hợp đồng mua bán, không có sàn giao dịch, với thị trường Trung Quốc chủ yếu xuất tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết thị trường trong nước hiện tiêu thụ khoảng 154.000 tấn cao su, chiếm 16-20% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong cả nước, 80% sản lượng còn lại xuất thô. Nguyên nhân theo VRA do cơ cấu chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu các nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu.
Các doanh nghiệp sản xuất lốp xe cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, SVR 10, RSS 3, nhưng những mặt hàng này có tỷ lệ thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong khi có đến 40-50% sản lượng là chủng loại SVL 3L, nhu cầu tiêu thụ trong nước lại không cao.
Nhiều doanh nghiệp chế biến cao su trong nước cho biết phải nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Malaysia do chất lượng cao su thiên nhiên nước ta không ổn định, nguồn cung không đồng đều, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng.
Cùng với đó, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến cao su trong nước vẫn còn chậm. Doanh nghiệp chế biến cao su có mức tăng trưởng cao phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có quy mô lớn. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao của các nhà sản xuất cao su thiên nhiên quy mô lớn, thiếu thông tin thị trường, đầu ra hẹp, công nghệ lạc hậu, quản lý kém, nhân lực yếu, khó tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi, ít có điều kiện đẩy mạnh xúc tiến thương mại…
Cần liên kết 3 nhà
Để giảm xuất khẩu thô và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, VRA cho rằng phải có sự liên kết 3 nhà trong chuỗi giá trị cao su. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp cao su cần liên kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ khách hàng tin cậy giữa nhà cung cấp nguyên liệu và nhà chế biến sản phẩm. Nhà cung cấp cam kết đảm bảo nguồn cung về số lượng và chất lượng, kiểm soát giá thành hợp lý.
Doanh nghiệp chế biến ưu tiên sử dụng sản phẩm cao su trong nước, đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, nhân lực, phát triển sản phẩm và thị trường mới. Về phía Nhà nước cần quản lý quy hoạch diện tích cây cao su, hướng dẫn người sản xuất cao su xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để tránh tình trạng chặt phá cây khi giá thấp. Đồng thời cần thành lập cơ quan thống nhất quản lý chất lượng và giá cao su, ưu đãi về đất đai, thuế, vốn vay cho doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su.
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), trong nửa đầu 2014, xuất siêu về lốp xe đã đạt 76,69 triệu USD, trong đó nhiều nhất là lốp xe con, xe tải và xe gắn máy với kim ngạch đạt 217,25 triệu USD, chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu các loại lốp xe. Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã xuất siêu lốp xe với tốc độ tăng trưởng về kim ngạch khá tốt, cho thấy triển vọng của sản phẩm này trong ngành chế biến sản phẩm cao su Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, cho biết từ nay đến năm 2020 VRG sẽ không đầu tư lĩnh vực sản xuất vỏ xe do ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian dài, sự cạnh tranh đang rất gay gắt giữa các nhà sản xuất lốp xe nội địa thuộc VRG, như Casumina, Cao su Sao Vàng, Cao su Đà Nẵng và Inoue Việt Nam, cùng với các doanh nghiệp nước ngoài như Kumho, Brigdestone, Yokohama, Sailun, ChengShin. “VRG sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng và cao su màu như găng tay, băng tải, dây courroise, bóng cao su… Cùng với đó, hàng năm VRG thanh lý khoảng 10.000-12.000ha cao su, sản lượng gỗ 1-1,2 triệu m3 phục vụ các nhà máy chế biến gỗ thuộc tập đoàn” - ông Trần Ngọc Thuận nói.
Đại diện CTCP Cao su Phước Hòa cho biết đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản phẩm mủ cao su thông qua tái canh khoảng 1.000ha cao su/năm. Kinh nghiệm của Cao su Phước Hòa trong hợp tác qua ký kết hợp đồng dài hạn với nhà chế biến sản phẩm cao su là luôn giữ chữ tín trong kinh doanh, biết lắng nghe phản ánh của khách hàng để khắc phục kịp thời những sai sót, phát triển chủng loại theo thị hiếu khách hàng; giá bán linh hoạt, giao hàng đúng cam kết hợp đồng.
Sắp tới công ty sẽ thực hiện Luật Reach - quy định an toàn của EU - về việc đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất để có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu và các thị trường khác đòi hỏi tiêu chuẩn cao.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]